1. Về phạm vi điều chỉnh
Nghị định 222 quy định về thanh toán bằng tiền mặt và quản lý nhà nước về thanh toán bằng tiền mặt trong một số giao dịch thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam. Nghị định 222 không liệt kê cụ thể như Nghị định 161 mà quy định chung về thanh toán bằng tiền mặt; đồng thời nâng cao vai trò quản lý nhà nước của một số Bộ, ngành về thanh toán bằng tiền mặt.
2. Về đối tượng áp dụng
Nghị định 222 mở rộng đối tượng áp dụng đến các tổ chức, cá nhân có liên quan đến thanh toán bằng tiền mặt nói chung (không chỉ giới hạn ở đối tượng sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước và có giao dịch tiền mặt với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán như quy định tại Nghị định 161).
3. Về hoạt động thanh toán đối với giao dịch chứng khoán
Nghị định 222 quy định tổ chức, cá nhân không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch sau: (i) Giao dịch chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán; (ii) Giao dịch chứng khoán đã đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán không qua hệ thống giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán. Quy định mới tại Nghị định 222 xuất phát từ thực tế hiện nay, các giao dịch thanh toán chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán hầu hết đã thực hiện thanh toán qua ngân hàng (người tham gia giao dịch chứng khoán phải mở tài khoản tại ngân hàng để giao dịch); các tổ chức, cá nhân tham gia các giao dịch chứng khoán đã đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán đều có tài khoản thanh toán, các giao dịch chứng khoán chủ yếu diễn ra ở những thành phố, khu vực có hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt đáp ứng và chịu sự quản lý của Trung tâm Lưu ký chứng khoán - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
4. Về hoạt động thanh toán đối với giao dịch tài chính của doanh nghiệp
Nghị định 222 quy định các doanh nghiệp không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch sau: (i) Góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp; (ii) giao dịch vay và cho vay lẫn nhau giữa các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng.
Nghị định 222 bổ sung các nội dung này dựa trên đề xuất của Bộ Tài chính. Trên những chứng từ đã phát sinh cơ quan chức năng (Cơ quan Thuế, Kiểm toán…) có thể quản lý, làm cơ sở tính thuế và kiểm tra giám sát việc thực hiện quy định liên quan đến thanh toán bằng tiền mặt của doanh nghiệp. Mặt khác, đối tượng điều chỉnh là doanh nghiệp nên đều có tài khoản thanh toán, do đó những quy định này bảo đảm tính khả thi.
5. Về giải ngân vốn cho vay
Giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là hoạt động liên quan đến sử dụng nhiều tiền mặt đã được Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể tại Thông tư 09/2012/TT-NHNN ngày 10/4/2012. Trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư 09/2012/TT-NHNN cho thấy quy định này là cần thiết và rất khả thi trong thực tiễn vì vậy quy định về sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đã được đưa vào Nghị định 222 để nâng cao hiệu lực pháp lý của quy định.
6. Về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước
Nghị định 222 quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước về thanh toán bằng tiền mặt, bao gồm: (i) Giao Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các điều trong thẩm quyền của mình; (ii) Làm đầu mối phối hợp các Bộ, ngành liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và báo cáo định kỳ việc thực hiện Nghị định này cho Thủ tướng Chính phủ; (iii) Làm đầu mối phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm tăng cường và đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền phục vụ việc thực hiện Nghị định này và cũng như mục tiêu, chủ trương của Nhà nước giảm thanh toán bằng tiền mặt để tiết kiệm chi phí xã hội liên quan đến sử dụng tiền mặt; giảm thiểu rủi ro do thanh toán bằng tiền mặt; góp phần từng bước cải thiện tính minh bạch trong một số giao dịch./.
Nguồn: Trang tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam