Việt Nam đạt được thỏa thuận thương mại với các đối tác thương mại lớn trong năm 2015

Triển khai Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 07/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục triển khai Nghị quyết số 22/NQ-BCT ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Việt Nam đã tích cực, chủ động đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới với các đối tác. Tính đến hết năm 2015, Việt Nam đã ký kết 10 FTA song phương và đa phương (gồm Khu vực mậu dịch tự do ASEAN, Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Nhật Bản, Việt Nam - Nhật Bản, ASEAN - Úc - Niu Di-lân, ASEAN - Ấn Độ, Việt Nam - Chi-lê, Việt Nam - Hàn Quốc và Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu), kết thúc đàm phán 2 hiệp định quan trọng với EU và Hoa Kỳ, tuyên bố kết thúc Hiệp định Việt Nam - EU (EVFTA, ngày 02/12/2015) và đàm phán thành công Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP, ngày 05/10/2015). Bên cạnh đó, năm 2015 cũng là năm Việt Nam chính thức tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Bởi vậy, năm 2015 được đánh giá là năm bản lề trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam với những bước tiến quan trọng.

Đạt được thỏa thuận với nhiều đối tác thương mại lớn

Hiệp định Việt Nam - EU

Bắt đầu khởi động từ tháng 6/2012, EVFTA đã trải qua 14 vòng đàm phán, kéo dài suốt từ tháng 10/2012 đến tháng 8/2015. Sau khi kết thúc cơ bản việc đàm phán các nội dung của hiệp định ngày 4/8/2015 và giải quyết các vấn đề về kỹ thuật và hoàn thiện văn bản hiệp định, ngày 02/12/2015, hai bên đã công bố kết thúc đàm phán. Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU và sau 10 năm là khoảng 99% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU. Đối với số dòng thuế còn lại, Việt Nam sẽ có lộ trình trên 10 năm hoặc dành ưu đãi cho EU trên cơ sở hạn ngạnh thuế quan của WTO.

Hiệp định TPP

Sau 5 năm tích cực đàm phán, hiệp định TPP giữa 12 nước thành viên đã chính thức kết thúc đàm phán vào ngày 05/10/2015 (dự kiến sẽ ký kết trong quý I/2016). Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế đối với khoảng 66% số dòng thuế ngay khi TPP có hiệu lực và xóa bỏ đối với 86,5% số dòng thuế sau 3 năm Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình giảm thuế cơ bản từ 4 - 10 năm. Một số mặt hàng đặc biệt nhạy cảm, Việt Nam cam kết lộ trình trên 10 năm hoặc hạn ngạch thuế quan.

Hội nhập kinh tế ASEAN

Tham gia AEC, Việt Nam không chỉ phải thực hiện các cam kết thương mại mà còn cam kết mở cửa trên nhiều lĩnh vực khác. Chính thức thành lập vào cuối năm 2015, AEC bao gồm 3 trụ cột chính là hợp tác chính trị - an ninh (Cộng đồng an ninh ASEAN - ASC), hợp tác kinh tế (AEC) và hợp tác văn hóa xã hội (Cộng đồng Văn hóa xã hội ASEAN - ASCC) và hướng đến 4 mục tiêu: (i) Một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung, được xây dựng thông qua: Tự do lưu chuyển hàng hóa; Tự do lưu chuyển dịch vụ; Tự do lưu chuyển đầu tư; Tự do lưu chuyển vốn và tự do lưu chuyển lao động có tay nghề; (ii) Một khu vực kinh tế cạnh tranh, được xây dựng thông qua các khuôn khổ chính sách về cạnh tranh, bảo hộ người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng, thuế quan và thương mại điện tử; (iii) Phát triển kinh tế cân bằng, được thực hiện thông qua các kế hoạch phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và thực hiện sáng kiến hội nhập nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN; (iv) Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, được thực hiện thông qua việc tham vấn chặt chẽ trong đàm phán đối tác và trong tiến trình tham gia vào mạng lưới cung cấp toàn cầu (WTO).

Riêng các cam kết về thương mại, Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - ATIGA là một hiệp định nội khối được mở khá rộng. Theo lộ trình cam kết ATIGA, đến năm 2015, về cơ bản các các nước ASEAN đã xóa bỏ thuế suất nhập khẩu trong các danh mục hàng hóa thông thường. Riêng các nước nhóm CLMV (gồm Cam-pu-chia, Lào, Myanmar và Việt Nam) vẫn được linh hoạt giữ lại thuế suất đối với 7% số dòng thuế đến năm 2018. Từ năm 2018, Việt Nam chỉ còn được duy trì thuế nhập khẩu với mức thuế suất tối đa là 5% đối với khoảng 3% số dòng thuế, bao gồm phần lớn là các mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm (gia cầm sống, thịt già, trứng gia cầm, quả có múi, thóc, gạo lứt, thịt chế biến, đường). Hai nhóm mặt hàng có lộ tình cam kết dài và chưa có lộ trình là xăng dầu (đến năm 2024) và thuốc lá (sẽ phải đưa ra lộ trình cắt giảm trong tương lai gần).

Bên cạnh các hiệp định EVFTA, TPP, AEC trong năm 2015 Việt Nam còn ký kết 2 hiệp định với Hàn Quốc và Liên minh Kinh tế Á - Âu. Như vậy, có thể nói năm 2015 đã đánh dấu mốc hội nhập quốc tế của Việt Nam với hầu hết các đối tác thương mại lớn.

Cơ hội lớn cho nền kinh tế

Xét về quan hệ thương mại, EU, TPP và ASEAN là các đối tác lớn hàng đầu của Việt Nam. Theo số liệu thống kê năm 2015, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước TPP chiếm tỷ trọng lớn nhất. Đứng thứ hai là EU và đứng thứ ba là các nước trong khối ASEAN.

Xét về tiềm năng mở rộng thị trường thì EU, TPP và ASEAN đều là những thị trường đầy tiềm năng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Ước tính, sau khi có hiệu lực, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với 800 triệu dân, chiếm tới 40% tổng sản lượng kinh tế và 30% kim ngạch thương mại toàn cầu. Trong khi đó với hơn 500 triệu người tiêu dùng và GDP hơn 17.000 tỷ USD, EU là thị trường đầy tiềm năng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Hiện tại, xuất khẩu của Việt Nam sang EU mới chiếm khoảng 0,75% tổng kim ngạch nhập khẩu của EU, trong đó chỉ 40% được hưởng thuế 0%, 60% còn lại phải chịu nhiều mức thuế khác nhau. Tương tự, AEC cũng là một thị trường lớn với quy mô GDP đạt trên 2,3 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng trên 5%/năm, lượng dân số khoảng số trên 625 triệu người, cơ cấu dân số trẻ. Điều đó cho thấy việc đạt được các thỏa thuận với các đối tác này sẽ mở ra cơ hội cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận với các thị trường có quy mô lớn.

Xét về lợi ích đối với sản xuất trong nước, việc cắt giảm thuế sâu giữa các thị trường là đối tác thương mại lớn sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp cắt giảm chi phí, từ đó nâng cao sức canh tranh của hàng hóa trong nước, tác động tích cực đến sản xuất và tiêu dùng trong nước.

Bên cạnh đó, việc thực hiện các cam kết quốc tế theo các FTA sẽ có tác động đến quy mô của nền kinh tế, chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài, cải cách, sửa đổi chính sách và tác động đến sức cạnh tranh và tăng trưởng của nền kinh tế trong dài hạn. Năm 2015 cũng đánh dấu bước khởi đầu của lộ trình cắt giảm ở mức sâu nhất và tiến tới cam kết cuối cùng về xóa bỏ thuế quan của thuế suất nhập khẩu trong các FTA mà Việt Nam đã ký với các đối tác quan trọng như Trung Quốc và Hàn Quốc… Mức độ hội nhập kinh tế quốc tế càng cao thì lợi ích từ hội nhập thu được càng lớn, tuy nhiên, hội nhập chỉ là điều kiện cần, nếu thiếu sự chuẩn bị và cải cách trong nước mạnh mẽ thì lợi ích sẽ thuộc về các đối tác thương mại.

Nhiều rào cản phải vượt qua

Thực tế hiện nay cho thấy, sự chuẩn bị của doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập là chưa đầy đủ. Cuối năm 2015, AEC chính thức thành lập, song theo kết quả khảo sát “AEC trong bối cảnh mới của thế giới và sự tham gia của Việt Nam” do Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện tại gần 700 doanh nghiệp vừa và nhỏ ở 5 tỉnh, thành là Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, có tới 76% doanh nghiệp Việt Nam không biết và không hiểu gì về AEC; 94% doanh nghiệp không biết về nội dung đàm phán trong AEC; 63% doanh nghiệp không hiểu gì về thách thức và cơ hội khi Việt Nam tham gia AEC. Trong khi các doanh nghiệp có quy mô lớn hoặc doanh nghiệp FDI đã có những tìm hiểu và nghiên cứu nhất định về tác động của các hiệp định, hiểu rõ tác động của hội nhập đến hoạt động của doanh nghiệp, đến thị trường xuất nhập khẩu của doanh nghiệp thì các doanh nhiệp vừa và nhỏ (chiếm tỷ trọng chủ yếu, hơn 90% tổng số doanh nghiệp) chưa nhận thức, đánh giá đầy đủ về tác động của hội nhập do vậy không có sự chuẩn bị và đang ở thế bị động trong quá trình hội nhập đang diễn ra sâu và rộng như hiện nay.

Không chỉ thiếu hiểu biết đầy đủ về quá trình hội nhập mà năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn khá yếu: Các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn chưa phát huy được vai trò dẫn dắt, chủ đạo trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới và phát triển công nghệ. Khu vực tư nhân nhìn chung quy mô nhỏ và hạn chế về năng lực tài chính, công nghệ; các ngành sản xuất trong nước phải đối mặt với sức cạnh tranh về giá cả, chất lượng của hàng nhập khẩu. Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA chưa có chuyển biến mạnh, vẫn tập trung chủ yếu vào các mặt hàng nông sản, các mặt hàng công nghiệp sử dụng nhiều lao động và các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu...

Rào cản kỹ thuật và yêu cầu xuất xứ nghiêm ngặt sẽ là những yếu tố sẽ gây cản trở đến việc mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Theo điều khoản về xuất xứ hàng hóa được đề xuất ở TPP, các sản phẩm xuất khẩu trong các nước thành viên phải có xuất xứ nội khối TPP mới được hưởng ưu đãi. Đây là một bất lợi vì Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ các nước bên ngoài TPP như Trung Quốc, Hàn Quốc để gia công hàng xuất khẩu, nếu không chuyển đổi được vùng nguyên liệu, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ không được hưởng ưu đãi thuế.

Đối với EU, Việt Nam xuất khẩu vào EU chủ yếu là các sản phẩm thô, hàng hóa thực phẩm như rau quả, thủy sản… nên doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu về vệ sinh dịch tễ, chất lượng sản phẩm. EU đưa ra các yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh và chất lượng sản phẩm rất cao, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng. Điều này dẫn đến, chi phí sản xuất đối với hàng hoá Việt Nam xuất vào EU tăng lên đáng kể, làm giảm tính cạnh tranh. Nếu doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào EU không hiểu biết thì không thể tận dụng được các ưu đãi thuế quan, thậm chí còn có thể bị cấm nhập khẩu, hoặc bị áp thuế chống bán phá giá rất cao ở EU, bởi xu hướng các nước đều sử dụng triệt để các hàng rào bảo hộ... Tất cả các phân tích trên đêu cho thấy rằng việc đạt được thỏa thuận với các đối tác lớn cũng có thể là thách thức không nhỏ đối với cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế./.

                                                                                                                   Nguồn:  http://www.mof.gov.vn