Print this page

Bất động sản công nghiệp vẫn là "con cưng" của thị trường

Các chuyên gia dự báo, 2021 là "năm bội thu” của những nhà phát triển bất động sản công nghiệp đã nắm trong tay quỹ đất lớn. Theo đó, bất động sản công nghiệp vẫn là "con cưng" của thị trường.
Theo báo cáo mới nhất từ Savills Việt Nam, mặt bằng chi phí thuê đất khu công nghiệp tại Việt Nam được ghi nhận đã tăng cao và trở thành điểm sáng hiếm hoi trong tình hình thị trường hiện tại. 
Việc nguồn cung hạn chế tại các phân khúc như nhà ở thương mại, văn phòng, bán lẻ… khiến bất động sản công nghiệp đang được săn đón bởi các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này cũng khiến chi phí thuê bất động sản công nghiệp leo thang. Tuy nhiên, bất động sản công nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục là "đứa con cưng" của ngành này bởi nhu cầu cao và hoạt động thị trường vốn gia tăng.
Các chuyên gia dự báo, 2021 là "năm bội thu” của những nhà phát triển bất động sản công nghiệp đã nắm trong tay quỹ đất lớn. So với mặt bằng chung của thế giới, Việt Nam vẫn được đánh giá là quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt; đồng thời còn được hưởng lợi từ làn sóng chuyển dịch đầu tư khỏi Trung Quốc. 
Nhu cầu sử dụng bất động sản khu công nghiệp tăng cao, kéo theo kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp trong ngành này trong quý I  vừa qua cũng tốt hơn. Đơn cử như Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC) công bố báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý I/2021 với doanh thu 2.002 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu cho thuê đất và chuyển nhượng bất động sản chiếm hơn 1.904 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm trước đó. 
Hay như Công ty Sonadezi (SNZ) cũng có doanh thu quý I đạt 1.266 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ; trong đó, riêng mảng kinh doanh khu công nghiệp đạt hơn 365 tỷ đồng. Nhóm các doanh nghiệp khác thuộc ngành bất động sản khu công nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng cao trong cùng thời gian trên còn có Tân Tạo (ITA), IJC và Nam Tân Uyên (NTC) - Savills Việt Nam dẫn chứng.
Cùng đó, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá, thị trường bất động sản công nghiệp đang chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ về nguồn cầu tại nhiều tỉnh, thành phố, tiêu biểu như: Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Định, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang... 
Với 260 khu công nghiệp đang hoạt động và 75 khu công nghiệp đang xây dựng, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp của Việt Nam đạt bình quân trên 70%; giá thuê nhà xưởng bình quân trên cả nước khoảng 60 - 80 nghìn đồng/m2 và giá mua đất khu công nghiệp đã có hạ tầng giao động từ 3 - 5 triệu đồng/m2.
Theo ông Troy Griffiths - Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều công ty đã áp dụng mô hình Trung Quốc + 1 nhằm tìm kiếm địa điểm mới để đa dạng hóa và đảm bảo nguồn cung. 
Với vị trí liền kề Trung Quốc, hội tụ nhiều lợi thế chiến lược, đặc biệt là chi phí thuê bất động sản công nghiệp rất cạnh tranh, Việt Nam đang được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm và xem như một điểm đến thay thế. Bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục là "đứa con cưng" của ngành này với nhu cầu cao và hoạt động thị trường vốn gia tăng.
Khảo sát mới nhất về thị trường bất động sản công nghiệp của Savills ghi nhận tỷ lệ lấp đầy ở khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc tăng so với cùng kỳ. Tại Hà Nội lên đến 90%, Bắc Ninh 95%, Hưng Yên 89% và Hải Phòng là 73%. Trong khi đó, khu vực phía nam ghi nhận tỷ lệ lấp đầy tại Thành phố Hồ Chí Minh đạt 88%, Bình Dương là 99%, Đồng Nai 94%, Long An là 84%, Bà Rịa – Vũng Tàu 79%...
Nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và các nước Liên Minh Châu Âu EVFTA, chi phí thuê đất khu công nghiệp có sự tăng trưởng khá ổn định. Các khu công nghiệp đã quy hoạch được kỳ vọng sẽ là những đối tượng thu hút dòng vốn ngoại trong thời gian tới. Thông qua Hiệp định thương mại tự do, mối quan hệ hợp tác giữa các quốc gia liên minh Châu Âu và Việt Nam sẽ được tăng cường, thúc đẩy sự phục hồi của ngành sản xuất sau giai đoạn trầm lắng do COVID-19 gây ra. 
Theo ông John Campbell - Quản lý bộ phận bất động sản công nghiệp Savills Việt Nam, với kỳ vọng tăng trưởng trong xuất nhập khẩu và sản xuất trong nước, nhu cầu cho cơ sở hạ tầng logistics cũng đang được thúc đẩy. Những năm gần đây, tổng diện tích kho bãi đã tăng đáng kể và giá tăng từ 5 - 10% mỗi năm.  
Giá thuê trung bình cho nhà kho tại Vùng kinh tế phía Bắc và Nam trong năm 2020 lần lượt là 4,1 USD/m2/tháng và 4,4 USD/m2/tháng. Tại các tỉnh như Long An và Bình Dương, những dự án kho bãi và cơ sở phân phối mới đang mọc lên dày đặc khi khu vực Tp. Hồ Chí Minh và Bình Dương đối diện với vấn đề thiếu hụt nguồn cung.
Tuy chi phí thuê đất khu công nghiệp tăng, nhưng báo cáo của Savills Việt Nam từ 54 thị trường tại 21 quốc gia cho thấy, Việt Nam đang là nơi có chi phí vận hành thấp nhất trong bảng xếp hạng; trong đó, Hà Nội dẫn đầu. Chi phí nhân công cộng với chi phí năng lượng đều ở mức thấp, giúp chi phí vận hành tại Việt Nam cạnh tranh hơn so với các quốc gia khác trong khu vực, trở thành một điểm đến rất thu hút với các công ty đa quốc gia - ông John Campbell phân tích.
Đáng chú ý, từ năm 2020, Việt Nam đã lập kế hoạch cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng và các khu công nghiệp nhằm thu hút doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. Những chính sách kịp thời như miễn giảm thuế doanh nghiệp đảm bảo lợi thế cạnh tranh trong khu vực như Indonesia, Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, bất động sản công nghiệp Việt Nam đang sở hữu cơ hội lớn để tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ nhưng nếu các địa phương không có sự cẩn trọng tính toán trong việc cấp mới dự án bất động sản công nghiệp, khủng hoảng là điều hoàn toàn có thể xảy ra./.