Hoàn thiện chính sách phát triển quỹ tín dụng nhân dân trong xây dựng nông thôn mới

Theo Hiệp hội Quỹ tín dụng nhân dân, tính đến hết tháng 12/2016, cả nước có 1.149 Quỹ Tín dụng nhân dân và các ngân hàng hợp tác xã, với hơn 2 triệu thành viên là các hộ gia đình tham gia vay vốn. Với mục tiêu liên kết, tương trợ thành viên, Quỹ Tín dụng nhân dân đã tạo ra cơ chế tài chính thuận lợi, thân thiện, phát huy được tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh xây dựng nông thông mới đang được triển khai tích cực tại nhiều địa phương, nguồn vốn từ Quỹ Tín dụng nhân dân có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp người dân xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xây dựng địa phương…

Một số chính sách về hoạt động của Quỹ Tín dụng nhân dân

Hiệu quả của mô hình Quỹ Tín dụng nhân dân (TDND) đã được ghi nhận tại nhiều địa phương trên cả nước, nơi nào có quỹ TDND thì thành viên, các hộ gia đình có điều kiện xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ tích cực cho địa phương phát triển kinh tế vùng, tận dụng được nguồn vốn nhàn rỗi trong cộng đồng dân cư, giúp người nông dân giải quyết được các khó khăn của họ. Điều này mang lại từ việc trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách đổi mới, tạo điều kiện cho Quỹ TDND phát triển, người dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay.
Nghị quyết Đại hội Đảng XI khẳng định: “Xây dựng nông thôn mới: Quy hoạch phát triển nông thôn và phát triển đô thị, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, tạo môi trường thuận lợi để khai thác mọi khả năng đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn” là nhiệm vụ phát triển đất nước ta.
Đại hội Đảng XII, tiếp tục khẳng định: “Thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chú trọng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới”.
Trên cơ sở định hướng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai các chương trình hoạt động về “chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn”.
Theo đó, NHNN đã ban hành Thông tư 04/2015/TT-NHNN quy định về Quỹ TDND thay thế Thông tư 08/2005/TT-NHNN ngày 30/12/2005 hướng dẫn một số điều của Nghị định 48/2001/NĐ-CP ngày 13/8/2001 về tổ chức và hoạt động của Quỹ TDND và Nghị định 69/2005/NĐ-CP ngày 26/5/2005 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 48/2001/NĐ-CP ngày 13/8/2001 về tổ chức và hoạt động của Quỹ TDND; Bãi bỏ Thông tư 06/2007/TT-NHNN ngày 06/11/2007 sửa đổi, bổ sung Thông tư 08/2005/TT-NHNN ngày 30/12/2005 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 48/2001/NĐ-CP ngày 13/8/2001 về tổ chức và hoạt động của Quỹ TDND và Nghị định 69/2005/NĐ-CP ngày 26/5/2005 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 48/2001/NĐ-CP ngày 13/8/2001 về tổ chức và hoạt động của TDND.
Việc ban hành hàng loạt chính sách trên đã tạo ra sự thống nhất trong hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động của Quỹ TDND, nhằm hướng tới mục đích đảm bảo sự an toàn trong hoạt động, nâng cao hiệu quả chất lượng hoạt động của Quỹ TDND, đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn mới hiện nay ở Việt Nam...

Vài đề xuất, kiến nghị
Nhằm phát huy những thế mạnh và kết quả đạt được trong việc phát triển Quỹ TDND, bên cạnh việc tiếp tục khắc phục những bất cập, hoàn thiện chính sách cần triển khai đồng bộ một số giải pháp sau:


Về hoạt động cho vay
Theo Điều 37 Thông tư 04/2015/TT-NHNN quy định về các đối tượng cho vay thì hoạt động cho vay đối với các hộ gia đình vì mục đích xây dựng nông thôn mới còn chưa được quan tâm đúng mức. Để đảm bảo có một chính sách có hiệu quả trong việc phát triển nông thôn, cần phối hợp với hệ thống các quỹ TDND trong việc xây dựng quy chế nội bộ để hướng dẫn thi hành, bao gồm:
- Xây dựng kế hoạch cho vay cụ thể theo từng giai đoạn. Theo đó, Quỹ cần phải có chiến lược rõ ràng trong quá trình hoạt động. Nghĩa là cần có kế hoạch hoạt động cụ thể trong từng giai đoạn, xác định mục tiêu cho từng giai đoạn, phân tích các yếu tố môi trường khách quan từ đó thấy được những cơ hội và thách thức đối với mục tiêu của quỹ và sự phát triển chung của nền nông nghiệp, nông thôn.
- Hiện nay, đa số các Quỹ TDND chưa có một chương trình quảng bá nào hoàn chỉnh ngoài kênh thông tin của đài phát thanh của địa phương hay qua các cuộc họp của chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội đóng trên địa bàn.
Nhiều hộ gia đình có nhu cầu vay vốn để sản xuất nhưng không phải là thành viên của quỹ, không biết đến sự tồn tại của quỹ, hoặc các hộ có hoàn cảnh khó khăn nhưng lại không nằm trong danh sách hộ nghèo do UBND cấp huyện phê duyệt. Do đó, cần phải thực hiện quảng bá, tuyên truyền chính sách xây dựng nông thôn mới hiệu quả.

Về quản lý hoạt động cho vay
Theo Thông tư 04/2015/TT-NHNN, Quỹ TDND cần ban hành quy chế nội bộ về cho vay, quản lý tiền vay để đảm bảo việc sử dụng tiền vay đúng mục đích, trong đó bao gồm nội dung sau: Quy định cụ thể về việc cho vay đối với thành viên là cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân, hộ nghèo không phải là thành viên bao gồm: (i) Quy trình thẩm định, đánh giá nhu cầu, mục đích vay vốn của thành viên; (ii) Quy trình xét duyệt cho vay và xét duyệt, quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ; (iii) Quy trình xét duyệt cho vay đối với hộ nghèo không phải là thành viên; (iv) Quy trình giải ngân vốn vay phù hợp; (v) Quy trình kiểm soát, quản lý, giám sát để bảo đảm việc sử dụng tiền vay đúng mục đích; (vi) Quy định về tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật (nếu có), phương thức xác định giá trị của tài sản bảo đảm và việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi khoản cho vay theo quy định của pháp luật; (vii) Lãi suất cho vay, mức cho vay...
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm tiền vay còn có một số vướng mắc nảy sinh khiến cho hệ thống Quỹ TDND còn lúng túng trong việc ban hành quy chế nội bộ về bảo đảm tiền vay.
Cơ quan có thẩm quyền xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cần xem xét khắc phục những bất cập của hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến tài sản bảo đảm. Cụ thể như:
- Việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo đảm tiền vay bằng thế chấp tài sản cần phải tuân theo nguyên tắc: Thế chấp là vật quyền không xuất hiện sự chuyển giao quyền chiếm hữu tài sản, không chỉ chủ sở hữu tài sản mà cả những chủ thể không có quyền sở hữu nhưng có quyền định đoạt tài sản cũng có thể tham gia quan hệ thế chấp.
- Hoàn thiện các quy định của chủ thể là hộ gia đình theo các nội dung như: Hộ gia đình được xác định theo giấy tờ giao đất hay sổ hộ khẩu của cơ quan công an cấp? Xác định cụ thể hộ gia đình là chủ thể của quan hệ dân sự nói chung và của quan hệ thế chấp nói riêng? Thành viên của hộ gia đình được xác định theo những căn cứ và tiêu chí nào? Trong trường hợp nào thì chủ hộ gia đình được nhân danh hộ gia đình tham gia vào quan hệ thế chấp?
- Sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai liên quan đến thế chấp, bảo lãnh quyền sử dụng đất và bất động sản theo hướng: Cho phép người nhận khoán sử dụng đất của các nông, lâm trường được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp vay vốn. Sửa đổi các quy định về thủ tục hành chính về giao đất, cho thuê đất theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch và thuận tiện...