PV: Chính phủ vừa có tờ trình trình Quốc hội về đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với phần lớn nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% đến hết năm 2023. Ông có bình luận gì về động thái này của Chính phủ trong việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN) vượt qua hoàn cảnh khó khăn hiện nay?
TS. Nguyễn Quốc Việt |
TS. Nguyễn Quốc Việt: Trước hết, tôi rất đồng tình và hoan nghênh những động thái từ Chính phủ, cũng như sự nhanh chóng cho ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chính sách giảm 2% thuế VAT có thể được triển khai nhanh nhất trong thời gian còn lại của năm 2023.
Chúng ta đều biết, quý I/2023 có sự suy giảm chung của nền kinh tế, khi tốc độ tăng trưởng chỉ đạt thấp (3,32%). Thông số về tốc độ tăng trưởng của các ngành cho thấy những tháng tới đây, cả quý II, thậm chí quý III/2023 khó khăn của các họat động sản xuất kinh doanh của DN vẫn còn hiện hữu.
Thứ hai, cầu tiêu dùng trong nước, đặc biệt là những lĩnh vực dịch vụ đã có sự phục hồi, nhưng chưa phản ánh hết được những khó khăn của các hộ kinh doanh, hay người bán hàng dịch vụ, các hoạt động liên quan đến ăn uống, mua sắm, giải trí ngoài trời chưa đạt được mức tiềm năng, cũng như chưa phục hồi lại mức giống như thời kỳ trước dịch bệnh.
Quay trở lại việc kích cầu tiêu dùng, đây là động thái rất phù hợp và cũng là khuyến nghị chung của các tổ chức quốc tế, rằng năm 2023 suy giảm kinh tế sẽ rất nghiêm trọng, thậm chí có thể là suy thoái kinh tế và còn kéo dài tới năm 2024 vẫn chưa khôi phục lại mức tăng trưởng tiềm năng ở thời điểm trước Covid-19. Vì vậy, đây là chính sách rất tốt, kịp thời.
PV: Việc được giảm thuế trực tiếp này sẽ có tác động thế nào đến đời sống người dân và sản xuất kinh doanh của DN, cũng như tăng trưởng kinh tế, thưa ông?
TS. Nguyễn Quốc Việt: Đầu tiên, có thể thấy rất rõ đây là chính sách "khoan thư sức dân" khi tất cả các mặt hàng thiết yếu, cũng như dịch vụ hàng ngày trực tiếp sát sườn với túi tiền của người dân đều có mức độ giảm trừ. Điều này sẽ là nguồn động viên, khích lệ, cho thấy sự đồng hành của Chính phủ trước những khó khăn về thu nhập của người dân bị giảm sút trong thời gian vừa qua, trong bối cảnh mà tất cả các dịch vụ, cũng như hàng hóa đa phần giá cả vẫn neo cao.
Vì vậy, việc giảm thuế này sẽ góp phần “đỡ” cho người lao động từ nay tới cuối năm, từ đó kích thích người dân tiếp tục mua sắm, sử dụng hàng hóa, đặc biệt là hàng tiêu dùng, hàng hóa thiết yếu.
Thúc đẩy sản xuất kinh doanh Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2022, việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% đã hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khoảng 44.500 tỷ đồng, góp phần giảm giá thành hàng hoá, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người lao động, từ đó góp phần kích cầu tiêu dùng, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước. |
Điều này rất quan trọng vì khi kích thích được tiêu dùng sẽ có tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì rất nhiều lĩnh vực, ngành hàng do đơn hàng xuất khẩu suy giảm dẫn tới áp lực tồn kho hàng hóa hiện nay rất lớn, đây là yếu tố có thể dẫn đến thua lỗ, vỡ nợ của rất nhiều DN.
Có thể thấy, từ đầu năm tới giờ, hơn 70.000 DN đã phải thoái lui khỏi thị trường. Vì vậy, nếu kích thích được tiêu dùng, DN bán được sản phẩm, giúp DN có được vòng quay về vốn sản xuất kinh doanh trong bối cảnh khó khăn về xuất khẩu hiện nay thì đây là yếu tố rất quan trọng để DN có thể phục hồi trở lại.
Một điều quan trọng nữa là áp lực về lạm phát mặc dù đã giảm căng thẳng ở quý I/2023, nhưng về cuối năm vẫn rất nhiều ẩn số từ việc tăng giá một số mặt hàng dịch vụ, giá điện, tăng lương cơ bản…
Do đó, việc giảm thuế VAT sẽ tạo ra dư địa trong kiểm soát lạm phát tốt hơn từ nay tới cuối năm. Việc ổn định được kinh tế vĩ mô nói chung và kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu của Chính phủ nói riêng cũng là một động thái hỗ trợ cho DN và phục hồi tăng trưởng kinh tế.
PV: Từ kinh nghiệm của lần giảm 2% thuế VAT trong năm trước, theo ông, cần lưu ý những gì để việc thực hiện chính sách lần này thực sự hiệu quả?
TS. Nguyễn Quốc Việt: Theo tôi, trước tiên phải rút được bài học kinh nghiệm về thời gian thực hiện sao cho rõ ràng, tránh có sự chuyển tiếp, những khu vực sản xuất kinh doanh mà có sự chuyển tiếp thì cần làm rõ ngay từ đầu, từ đó giải quyết được những khúc mắc của DN. Bởi rõ ràng, chuỗi sản xuất rất phức tạp, làm sao việc giải quyết từ khâu hóa đơn, chứng từ phải thông suốt.
Tôi tin rằng, qua việc thực hiện năm ngoái thì năm nay, bản thân DN cũng như Tổng cục Thuế và các cơ quan thuế ở địa phương đã có những kinh nghiệm để quy trình sẽ nhanh gọn hơn. Quy trình, thủ tục cần cải tiến thêm để làm sao nhanh gọn, đỡ chi phí tuân thủ của DN càng nhiều càng tốt.
Bên cạnh đó, tuy không phải tất cả các lĩnh vực đều được giảm 2% VAT, nhưng trong thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh có những hoạt động là hỗn hợp, chưa bóc tách được ngay, hay thể hiện được một cách rõ ràng.
Nếu có những khúc mắc của DN thì các cơ quan nhà nước trong quá trình thực thi nên có sự đồng hành và ủng hộ để làm sao đã có chính sách hỗ trợ cho DN thì phải hỗ trợ đến cùng. Đặc biệt là thái độ xử lý trước những vướng mắc, khúc mắc nếu có xảy ra, bởi vì luật là một chuyện nhưng thực tế cuộc sống muôn mầu muôn vẻ và thực tiễn kinh doanh của DN rất nhiều phát sinh.
Tôi hi vọng rằng các phát sinh đó của DN sẽ được cơ quan nhà nước tiếp tục đồng hành và giải quyết một cách nhanh nhất có thể, để chính sách thực sự phát huy tác dụng tốt nhất. Nếu chúng ta không làm tốt thì tác động kỳ vọng của chính sách sẽ không thể lan tỏa đến người dân và DN được, người dân và DN sẽ nản và không mặn mà thực hiện.
Quá trình thực thi càng nhanh gọn, rõ ràng, minh bạch càng tốt. Đặc biệt là sự ủng hộ, sẻ chia từ phía các cơ quan thực thi để làm sao người dân và DN tiếp cận nhanh nhất, mang lại tác động tốt nhất trong nửa cuối năm 2023.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hỗ trợ giúp duy trì nguồn thu bền vững Theo tính toán, dự kiến việc giảm 2% VAT sẽ khiến số thu ngân sách năm 2023 bị giảm 24.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đều khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, giảm thuế chính là nuôi dưỡng nguồn thu. TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng, Chính phủ giảm thuế và chấp nhận hy sinh một phần kế hoạch thu ngân sách nhà nước đã thể hiện sự sẻ chia những khó khăn, đồng hành với những khó khăn của người dân và doanh nghiệp. Đó là một chính sách rất tốt ổn định lòng dân, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo báo cáo, việc thặng dư từ vượt thu ngân sách quý I/2023 cũng tương đương với khoản từ nay tới cuối năm bị hụt thu do giảm 2% VAT. Như vậy, trước mắt phần ngân sách nhà nước bù trừ này là cơ sở để thực hiện chính sách giảm VAT 2% càng sớm càng tốt. Đồng thời, giảm thuế hỗ trợ DN cũng là một giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu. Nếu DN không bị thoái lui khỏi thị trường, có thể phục hồi được do kích cầu tiêu dùng trong nước, khiến cho vòng quay sản xuất của DN được quay trở lại thì tương lai sẽ có nguồn thu bền vững. |