Sáng ngày 20/4, tại Hà Nội, Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam và ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm CNTT, Bộ GTVT đồng chủ trì Hội nghị.
Hội nghị lấy ý kiến Đề án Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ
Tại Hội nghị, ông Đỗ Công Thủy, Phó trưởng phòng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái cho biết, Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030” gồm 5 phần tập trung phân tích hiện trạng và sự cần thiết xây dựng đề án; quan điểm, mục tiêu; nhiệm vụ và giải pháp thực hiện; tổ chức thực hiện; đánh giá hiệu quả và đề xuất, kiến nghị.
Về hiện trạng, có 37/37 máy chủ đầu tư trước năm 2018, trong đó có 10/37 máy chủ đầu từ năm 2012; 10 hệ thống đang đặt tại các trung tâm dữ liệu của các nhà cung cấp dịch vụ như Viettel, VNPT, Hanel.
Theo ông Đỗ Công Thủy, hạ tầng CNTT của Cục còn hạn chế, chưa được đầu tư mới, công nghệ lạc hậu, tải hệ thống luôn cao, gây nguy cơ quá tải hệ thống, không sẵn sàng cho việc mở rộng, nâng cấp các hệ thống phần mềm, cũng như không thể tận dụng hệ thống mới.
Nhìn chung, Cục đã tích cực xây dựng và đưa vào vận hành một số ứng dụng CNTT bước đàu đạt được một số kết quả nhất định, các ứng dụng hầu hết được triển khai ở quy mô toàn quốc phục vụ công tác quản lý vận tải, đào tạo sát hạch, quản lý GPLX, đặc biệt là các DVC phục vụ công tác cải cách hành chính và hướng tới tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Mô hình tổng thể hệ thống thông tin Cục Đường bộ Việt Nam
Tại Hội nghị, đại diện Sở GTVT một số tỉnh, thành phố; Vụ Vận tải, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ GTVT), Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan đã phát biểu đóng góp ý kiến vào Đề án, đặc biệt các ý kiến tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp về các lĩnh vực quản lý vận tải, quản lý phương tiện và người lái, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, ứng dụng quản lý điều hành và công tác nội bộ…
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm CNTT cho biết, nhìn chung qua ý kiến của các đơn vị liên quan của các Sở GTVT cho thấy phải bổ sung một số nội dung vào Đề án để toàn diện hơn; rà soát lại các nội dung, đảm bảo tất cả chức năng quản lý của Cục Đường bộ Việt Nam phục vụ cho người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực đường bộ phải được đưa vào Đề án; đồng thời đặt ra các nhiệm vụ cụ thể đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; khi triển khai cần phân kỳ, hoặc đưa ra nội dung ưu tiên cần phải triển khai.
Từ thực tế trong thời gian qua, với vai trò là cơ quan tham mưu của Bộ GTVT, ông Lê Thanh Tùng cho biết, đơn vị đã nhận được rất nhiều văn bản của UBND các tỉnh, thành phố (do các Sở GTVT tham mưu) liên quan đến việc kết nối cơ sở dữ liệu giữa các địa phương với Bộ GTVT, trong đó có hai dữ liệu lớn, thứ nhất là dữ liệu của Đường bộ và Đăng kiểm; thứ hai là một số tỉnh hiện nay đang thực hiện xây dựng đô thị thông minh, trong quá trình xây dựng đô thị thông minh đề nghị Bộ cũng như các lĩnh vực thuộc Bộ GTVT hướng dẫn cho các đơn vị trong việc xây dựng các dữ liệu ở địa phương để làm sao sau này tuân thủ theo kiến trúc chung của Bộ cũng như đồng bộ dữ liệu hoặc tích hợp chia sẻ khi Bộ và các Cục thuộc Bộ có yêu cầu.
Đối với các tỉnh không xây dựng đô thị thông minh, đang sử dụng hệ thống CNTT do Sở Xây dựng hoặc do Bộ, Cục triển khai đến các Sở GTVT, ông Lê Thanh Tùng đề nghị rà soát lại xem đã đảm bảo tính tổng thể chưa? các hệ thống CNTT của các hợp phần này cần điều chỉnh, bổ sung và định hướng như thế nào để đưa vào Đề án theo định hướng chung của Bộ.
“Đường bộ có yếu tố tác động đến người dân và doanh nghiệp rất nhiều, chúng ta bước ra đường là đã sử dụng ngay đến dịch vụ liên quan đến đường bộ. Trong thời gian qua, Cục đã tích cực triển khai các hệ thống CNTT phục vụ cho công tác quản lý, điều hành của Cục, của các Sở GTVT, đồng thời phục vụ công tác cho người dân và doanh nghiệp, chia sẻ dữ liệu này với các cơ quan quản lý nhà nước khác trong việc phát triển kinh tế số, hệ thống số” - Ông Lê Thanh Tùng nhấn mạnh.
Ông Lê Thanh Tùng đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam rà soát tổng thể lại Đề án, đảm bảo thực hiện theo định hướng thống nhất và có tính tổng thể. Tuy nhiên, mong muốn triển khai ứng dụng CNTT trong đường bộ rất nhiều, nhưng căn cứ vào nguồn lực thực tế tại đơn vị, để tập trung xây dựng Đề án có kiến trúc, nhưng phải bền vững và xác định rõ những việc cần làm trước, những việc làm sau, theo mô hình nào để hiệu quả, theo hướng làm đến đâu sử dụng đến đó và phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước cũng như phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.
Kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam gửi lời cảm ơn tới đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đã có ý kiến đóng góp vào Đề án, đồng thời giao Tổ Thư ký và các Phòng liên quan của Cục theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, tiếp thu các ý kiến góp ý tại Hội nghị, đồng thời giải trình cụ thể, hoàn thiện Đề án để tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến trước khi lãnh đạo Bộ và Bộ trưởng Bộ GTVT chủ trì trước ngày 20/5/2023.
Ông Nguyễn Xuân Cường giao các Phòng liên quan của Cục chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GTVT, Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để rà soát, chỉnh sửa các nội dung cụ thể trong Đề án thuộc các lĩnh vực quản lý vận tải, quản lý phương tiện và người lái, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, ứng dụng quản lý điều hành... để đảm bảo chất lượng, tiến độ đã đề ra.
Nguồn: https://mt.gov.vn/vn/tin-tuc/88121/tang-cuong-ung-dung-cntt-va-chuyen-doi-so-duong-bo.aspx