Trong bối cảnh cạnh tranh trong nước cũng khốc liệt và bão hòa, những cuộc vượt biển tìm kiếm thị trường mới của Viettel, Mobifone thời gian qua chính là minh chứng cho việc xâm nhập thị trường nước ngoài, thông qua các thương vụ thâu tóm, ắt hẳn sẽ có thêm những bài học cho các nhà mạng trong nước.
Viettel “khoe” những thương hiệu mạng tại những thị trường doanh nghiệp này thâm nhập đang có chỗ đứng như Metfone; Movitel; Viettel Peru… Có thể nói không ngoa, sự thành công ban đầu của Vietel đến với họ không phải do gặp may. Tuy nhiên, hầu hết các thị trường Viettel thâm nhập đều theo hình thức từ “A-Z”. Tức là đến “khai phá”, xây dựng hạ tầng và kinh doanh dịch vụ.
Thực tế bài học đi thuê kênh (thuê hạ tầng, đường truyền truyền…) là kinh nghiệm đau đớn Viettel từng vấp phải, khi mới tham gia thị trường viễn thông tại Việt Nam. Do đó, tự xây dựng hạ tầng, kinh doanh trên đó và cho các mạng nhỏ thuê lại là hướng đi đúng đắn, nhất là tại những thị trường mới khai phá như Châu Phi, Nam Mỹ hiện nay.
Tuy nhiên, đặt một giả thiết rằng khi muốn vươn lên vị trí thống lĩnh, hẳn Viettel cũng muốn “đá” sang những thị trường có máu mặt như Mỹ, Trung Quốc hay có thể ngay chính Nhật Bản chẳng hạn. Lúc đó, thay vì đi xây đựng đường truyền, tìm kiếm thuê bao mới, Viettel sẽ M&A và bán các dịch vụ giá trị gia tăng thì ra sao? Hiện nay, Viettel cũng là nhà mạng lớn thứ 15 thế giới, xét theo tiêu chí số lượng thuê bao.
Hẳn việc “múa gậy vườn hoang” tại những nước khi mạng viễn thông chưa phát triển là hướng đi trước mắt, nhưng về lâu dài các nhà mạng VN chỉ quanh quẩn với “nhà nghèo” thì rất nhanh chóng doanh thu sẽ sụt giảm. Bán hàng cho ai không chỉ thể hiện định hướng kinh doanh, nó còn chứng minh đẳng cấp, thương hiệu của các DN khi tham gia sân chơi toàn cầu. Thương hiệu DN cũng chính là thương hiệu quốc gia. Nhớ lại câu chuyện thâm nhập thị trường xe hơi Nhật Bản tiến vào Mỹ và viễn thông hiện nay hẳn các DN viễn thông trong nước đã có câu trả lời.
Nguồn: Trang tin điện tử Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI