Hoa hồng bảo hiểm phi nhân thọ năm đầu tối đa là 40%; Bãi bỏ quy định về điều kiện kỹ thuật máy trò chơi điện tử có thưởng; Bổ sung quy định hướng dẫn hành nghề đại lý thuế; Sửa quy định sử dụng tờ khai hải quan... là một số chính sách tài chính mới, có hiệu lực trong tháng 7/2017.
Chủ tàu phải thanh toán chi phí hồi hương cho thuyền viên
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 38/2017/TT-BTC hướng dẫn thanh toán chi phí hồi hương cho thuyền viên. Thông tư này áp dụng đối với thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế; chủ tàu biển Việt Nam có tàu biển hoạt động tuyến quốc tế; các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thu xếp thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam hồi hương.
Chi phí hồi hương thuyền viên sẽ do chủ tàu thanh toán, bao gồm: Chi phí đi đến địa điểm hồi hương được quy định trong hợp đồng; chi phí ăn, ở của thuyền viên tính từ thời điểm rời tàu biển cho đến thời điểm đến địa điểm hồi hương; tiền lương và trợ cấp đi lại của thuyền viên tính từ thời điểm rời tàu biển cho đến thời điểm đến địa điểm hồi hương; chi phí vận chuyển tối đa 30 ki-lô-gam (kg) hành lý cá nhân và chi phí chăm sóc y tế cần thiết.
Chủ tàu có trách nhiệm bảo đảm tài chính để chi trả chi phí hồi hương thuyền viên. Trường hợp chủ tàu không đảm bảo đầy đủ nguồn tài chính để chi trả cho thuyền viên hồi hương thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện bảo lãnh cho chủ tàu có trách nhiệm chi trả chi phí hồi hương thuyền viên.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2017.
Hỗ trợ kinh phí với cơ sở giáo dục đại học công lập
Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2017 và áp dụng kể từ kỳ tính thuế năm 2016, Thông tư 47/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 15/05/2017 đã hướng dẫn hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ.
Theo đó, Thông tư 47/2017/TT-BTC áp dụng cho các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị quyết số 77/NQ-CP và thực hiện từ ngày 01/01/2016 cho đến hết thời gian thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động.
Đối với các cơ sở giáo dục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động sau ngày 01/01/2016 thì thời gian thực hiện từ thời điểm được phê duyệt cho đến hết thời gian thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động.
Tăng chế độ công tác phí với cán bộ, công viên chức
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 40/2017/TT-BTC về chế độ công tác phí, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2017, bãi bỏ Thông tư 97/2010/TT-BTC ngày 6/7/2010 và có nhiều điểm mới quan trọng.
Theo quy định tại Thông tư, các mức công tác phí cụ thể như sau: Mức phụ cấp lưu trú trả cho người đi công tác là 200.000 đồng/ngày, tăng 50.000 đồng/ngày so mức cũ. Người làm việc ở đất liền được cử đi công tác trên biển, đảo thì được hưởng mức phụ cấp lưu trú là 250.000 đồng/người/ngày (áp dụng cho cả những ngày đi, về trên biển, đảo). Mức cũ 200.000 đồng/ngày.
Tiền thuê phòng nghỉ theo hình thức khoán đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đi công tác áp dụng từ 300 nghìn đến 450.000 đồng/ngày/người (tăng 100.000 so với các mức cũ). Tiền thanh toán phòng nghỉ theo hóa đơn thực tế khi đi công tác, tiêu chuẩn áp dụng tại các thành phố lớn là 1 triệu đồng/ngày/phòng theo tiêu chuẩn 2 người/phòng; tại các vùng còn lại được thanh toán 700.000 đồng/ngày/phòng (tăng 100.000 đồng so với mức cũ).
Chứng từ thanh toán công tác phí gồm: Giấy đi đường của người đi công tác có đóng dấu xác nhận của nơi đến công tác; văn bản hoặc kế hoạch công tác đã được thủ trưởng cơ quan phê duyệt; hóa đơn; bảng kê độ dài quãng đường đi công tác trình thủ trưởng cơ quan, đơn vị duyệt thanh toán (áp dụng khi thanh toán khoán chi phí đi lại); hóa đơn, chứng từ thuê phòng nghỉ hợp pháp theo quy định của pháp luật (áp dụng khi thanh toán tiền thuê phòng nghỉ theo hóa đơn thực tế).
Từ 1/7, áp dụng khung giá tính thuế tài nguyên mới
Thông tư số 44/2017/TT-BTC quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau vừa được Bộ Tài chính ban hành sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2017.
Theo đó, giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng sản xuất thủy điện thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4, còn giá tính thuế tài nguyên đối với dầu thô, khí thiên nhiên, khí than thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 4 Nghị định số 50/2010/NĐ-CP.
Khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau, gồm: Khung giá tính thuế tài nguyên đối với khoáng sản kim loại (Phụ lục I); khoáng sản không kim loại; sản phẩm của rừng tự nhiên (Phụ lục III); hải sản tự nhiên; nước thiên nhiên và yến sào thiên nhiên.
Căn cứ Khung giá tính thuế tài nguyên ban hành tại Thông tư này, UBND cấp tỉnh ban hành Bảng giá tính thuế tài nguyên áp dụng tại địa phương.
Quy định khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản
Để triển khai quy định của Luật Đấu giá tài sản (có hiệu lực từ 01/7/2017), ngày 12/5/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 45/2017/TT-BTC quy định khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản.
Đối tượng áp dụng của Thông tư bao gồm: Người có tài sản đấu giá theo quy định tại khoản 5 Điều 5 của Luật đấu giá tài sản (trừ các trường hợp đấu giá tài sản do Hội đồng đấu giá tài sản được người có thẩm quyền thành lập thực hiện); tổ chức đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 12 Điều 5 của Luật đấu giá tài sản; và các tổ chức cá nhân khác có liên quan.
Thông tư quy định mức thù lao tối thiểu: 1 triệu đồng/01 hợp đồng; mức thù lao tối đa được quy định tương ứng từng khung giá trị tài sản theo giá khởi điểm của một hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản trong trường hợp đấu giá thành được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư nhưng không vượt quá 300 triệu đồng/01 Hợp đồng…
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2017 và thay thế Thông tư số 335/2016/TT-BTC; bãi bỏ Điều 13 Thông tư số 48/2012/TT-BTC.
Hoa hồng bảo hiểm phi nhân thọ năm đầu tối đa là 40%
Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Thông tư số 50/2017/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Thông tư quy định DN bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài trả hoa hồng cho đại lý bảo hiểm sau khi đại lý bảo hiểm thực hiện một hoặc một số nội dung hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định tại Điều 85 Luật Kinh doanh bảo hiểm để mang lại dịch vụ cho DNBH, chi nhánh nước ngoài.
Tỷ lệ hoa hồng tối đa đối với các hợp đồng bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ dao động từ 2 – 40% tùy từng loại bảo hiểm và thời hạn áp dụng. Đối với các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nhóm, tỷ lệ hoa hồng tối đa bằng 50% các tỷ lệ tương ứng áp dụng cho các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cá nhân cùng loại. Tỷ lệ hoa hồng tối đa đối với các hợp đồng bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khoẻ là 20%. Đối với các sản phẩm bảo hiểm khác ngoài các nghiệp vụ quy định tại khoản này, có văn bản hướng dẫn riêng thì thực hiện theo văn bản hướng dẫn riêng đó.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017.
Đã có quy định hướng dẫn kinh doanh dịch vụ mua bán nợ
Theo quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư số 53/2017/TT-BTC khi bắt đầu hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ (KDDVMBN) và trong suốt quá trình hoạt động, doanh nghiệp KDDVMBN phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Nghị định số 69/2016/NĐ-CP, tương ứng với từng loại hình KDDVMBN và phải thực hiện công bố công khai việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện KDDVMBN về vốn, quy chế quản lý nội bộ về tổ chức, quy định nội bộ về hoạt động KDDVMBN, quy chế hoạt động của sàn giao dịch nợ tại trụ sở chính và trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp. Ngoài ra, Thông tư còn hướng dẫn các quy định đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 3/7/2017. Đối với các doanh nghiệp KDDVMBN kinh doanh trước ngày Nghị định số 69/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì chậm nhất vào ngày 1/7/2017, doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ theo quy định tại Nghị định số 69 và hướng dẫn tại Thông tư này. Đồng thời hoàn thiện các tài liệu chứng minh và công bố công khai việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ tại trụ sở chính và trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp.
Trước ngày 1/7/2017, doanh nghiệp phải báo cáo cơ quan đăng ký kinh doanh về việc đáp ứng hoặc không đáp ứng điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Trong trường hợp không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ phải chấm dứt hoạt động kinh doanh mua bán nợ và phải báo cáo cơ quan đăng ký kinh doanh.
Sử dụng ngân sách cho hoạt động an ninh trật tự, an toàn xã hội
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 55/2017/TT-BTC quy định chi tiết về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội.
Thông tư này quy định chi tiết việc lập, phân bổ dự toán, tổ chức thu, chi ngân sách và kế toán, quyết toán ngân sách nhà nước trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội thuộc nhiệm vụ của Bộ Công an. Về tổ chức thu ngân sách nhà nước, Thông tư nêu rõ, cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước phải tổ chức thu theo quy định của pháp luật đối với từng khoản thu và hướng dẫn của Bộ Tài chính về công tác thu, nộp ngân sách nhà nước.
Cụ thể, thu phí và lệ phí: Thực hiện nộp ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Phí và lệ phí, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thu thanh lý tài sản nhà nước, thu từ bán tài sản gắn liền với đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất: Thực hiện nộp ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, Luật Đất đai, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Thu xử phạt vi phạm hành chính: Thực hiện nộp toàn bộ số tiền thu được vào ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 6/7/2017, áp dụng từ năm ngân sách 2017.
Sửa đổi quy định sử dụng tờ khai hải quan
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 52/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 120/2015/TT-BTC quy định về mẫu, chế độ in, phát hành, quản lý và sử dụng tờ khai hải quan dùng cho người xuất cảnh, nhập cảnh.
Theo đó, Thông tư sửa đổi, bổ sung nhiều điều, khoản của Thông tư số 120/2015/TT-BTC. Cụ thể, điểm c khoản 1 Điều 4 của Thông tư số 120/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung thành “Có hàng hóa phải nộp thuế: Rượu từ 20 độ trở lên vượt trên 1,5 lít hoặc rượu dưới 20 độ vượt trên 2 lít hoặc đồ uống có cồn, bia vượt trên 3 lít; thuốc lá điếu vượt trên 200 điếu hoặc xì gà vượt trên 20 điếu hoặc thuốc lá sợi vượt trên 250 gam; các vật phẩm khác có tổng trị giá trên 10.000.000 đồng Việt Nam”.
Tiết d.3 điểm d khoản 1 Điều 4 về quy định việc khai trên tờ khai hải quan được sửa đổi, bổ sung như sau: Người xuất cảnh, nhập cảnh bằng hộ chiếu mang theo vàng trang sức, mỹ nghệ có tổng khối lượng từ 300 gam trở lên; người xuất cảnh, nhập cảnh bằng giấy thông hành biên giới, giấy thông hành nhập xuất cảnh, chứng minh thư biên giới đeo trên người vàng trang sức, mỹ nghệ phục vụ nhu cầu trang sức như các loại: Nhẫn, dây, vòng, hoa tai, kim cài và các loại trang sức khác có tổng khối lượng từ 300 gam trở lên…
Thông tư này cũng sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 4 Điều 6 về trách nhiệm Chi cục Hải quan cửa khẩu.
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 10/7/2017, đồng thời bãi bỏ Quyết định số 2181/QĐ-BTC về việc đính chính Thông tư số 120/2015/TT-BTC.
Bổ sung một số quy định hướng dẫn hành nghề đại lý thuế
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 51/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 117/2012/TT-BTC hướng dẫn hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế.
Theo quy định của Thông tư, trước khi hoạt động, đại lý thuế phải lập một bộ hồ sơ đề nghị cấp “Xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế” gửi Cục Thuế nơi đại lý thuế đóng trụ sở chính. Hồ sơ gồm: Văn bản đề nghị xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế; Bản chụp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Bản chụp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế của các nhân viên đại lý thuế (có xác nhận của đại lý thuế).
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Thuế kiểm tra đối chiếu thông tin đăng ký ngành nghề kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế của doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ ngày ký “Xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế” cho đại lý thuế, Cục Thuế đăng tải công khai danh sách đại lý thuế đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế trên Trang thông tin điện tử của Cục Thuế và gửi thông tin qua mạng giao dịch nội bộ ngành thuế cho Tổng cục Thuế để đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Thông tư cũng bổ sung quy định miễn một số môn thi với một số đối tượng là công chức thuế, viên chức thuế có ngạch công chức, viên chức từ chuyên viên thuế, kiểm tra viên cao đẳng thuế, giảng viên trở lên và có thời gian công tác trong ngành thuế từ 3 năm trở lên khi thôi công tác trong ngành thuế (không bao gồm trường hợp bị kỷ luật buộc thôi việc).
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/7/2017. Những hồ sơ đề nghị xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế hoặc hồ sơ đăng ký dự thi cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế, hoặc hồ sơ xét cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế nộp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì thực hiện theo Thông tư số 117/2012/TT-BTC.
Bãi bỏ quy định về điều kiện kỹ thuật máy trò chơi điện tử có thưởng
Ngày 02/06/2017, Bộ Tài chính đã ra Thông tư số 57/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2014/TT-BTC ngày 17/01/2014 hướng dẫn một số điều quy định tại Nghị định số 86/2013/NĐ-CP ngày 29/07/2013 của Chính phủ về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài. Nội dung nổi bật của Thông tư này là bãi bỏ quy định về điều kiện kỹ thuật máy trò chơi điện tử có thưởng.
Trước đây, Thông tư số 11/2014/TT-BTC quy định những yêu cầu nghiêm ngặt về phần cứng, phần mềm và thiết bị ngoại vi của máy trò chơi điện tử có thưởng. Ngoài ra, Thông tư mới này cũng yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho xuyên toàn bộ hoạt động trong điểm kinh doanh 24/24h. Đặc biệt, hình ảnh camera tại các vị trí phải được lưu trữ đầy đủ trong thời hạn tối thiểu 30 ngày, kể từ ngày ghi hình.
Trong trường hợp cần thiết, thời gian lưu trữ có thể kéo dài hơn theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Về phí cấp, cấp lại, điều chỉnh và gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, Thông tư quy định mức phí là 150 triệu đồng với trường hợp cấp, gia hạn và 20 triệu đồng với trường hợp cấp lại, điều chỉnh. Các khoản phí này đều là khoản thu thuộc ngân sách Nhà nước.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 17/07/2017.
Hỗ trợ tài chính cho tổ chức sử dụng lao động dân tộc thiểu số
Theo Thông tư số 58/2017/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành, các tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ tài chính từ năm tài chính 2017.
Theo Thông tư, những đối tượng này sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và tiền đi lại. Cụ thể, người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo hỗ trợ mức tối đa 4 triệu đồng/người/khóa học. Người dân tộc thiểu số mức tối đa là 3 triệu đồng/người/khóa học. Đồng thời, hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học, tiền đi lại là 200.000 đồng/ người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15 km trở lên.
Trường hợp người học là người dân tộc thiểu số cư trú ở xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ tiền đi lại là 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5 km trở lên. Riêng đối tượng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ cùng một nội dung thì chỉ được hưởng chính sách cao nhất.
Đối với chính sách hỗ trợ về bảo hiểm thì ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ nộp thay cho các đơn vị sử dụng lao động tối đa 5 năm đối với một người lao động. Việc hỗ trợ bảo hiểm được thực hiện đối với lao động là người dân tộc thiểu số được đơn vị sử dụng lao động ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
Ngân sách trung ương hỗ trợ 100% kinh phí về đào tạo, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho lao động là người dân tộc thiểu số.
Thông tư này áp dụng từ năm tài chính 2017.
(Theo Thời báo Tài chính)