Sau hơn 20 năm phát triển, cấu trúc thị trường vốn (TTV) của Việt Nam đã được định hình rõ nét, gồm hai cấu phần chính là thị trường chứng khoán (TTCK) và thị trường tín dụng (TTTD) trung, dài hạn, nhằm tạo ra kênh dẫn vốn hữu hiệu cho Chính phủ, các doanh nghiệp (DN) và cả nền kinh tế.
Thống kê cho thấy, khi TTCK mới mở cửa năm 2000, vốn hóa thị trường chỉ đạt 986 tỷ đồng, tương đương 0,28% GDP. Các DN hầu như phải huy động vốn qua kênh tín dụng ngân hàng (NH). Nhưng đến nay, sau hai thập kỷ, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu (TTCP) Việt Nam tính đến cuối năm 2020 tương đương 83% GDP năm 2019. Hàng trăm nghìn tỷ đồng đã được các DN, các NH huy động qua TTCK, tạo nên bức tranh cân đối của TTV Việt Nam, bên cạnh kênh tín dụng NH cũng có sự phát triển mạnh mẽ trong 20 năm qua.
Theo Vụ trưởng Phát triển TTCK, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Tạ Thanh Bình, TTCK Việt Nam đã có những bước phát triển lớn trong 20 năm qua, phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Chỉ tính riêng năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 tác động mạnh tới nền kinh tế, TTCK đã có những bước hồi phục mạnh mẽ, quy mô nhà đầu tư (NĐT) mới tham gia thị trường tăng cao nhất trong lịch sử và đẩy thanh khoản thị trường tăng mạnh. Cụ thể, tính đến cuối tháng 2-2021, chỉ số VN Index đạt 1.168,47 điểm, tăng 5,9% so cuối năm 2020. Vốn hóa thị trường đạt 5.681.000 tỷ đồng, tăng 7,3% so cuối năm 2020, tương đương 90,3% GDP; giá trị giao dịch bình quân đạt 18.853 tỷ đồng/phiên, tăng 154% so mức trung bình của năm 2020.
Tuy nhiên, theo bà Tạ Thanh Bình, còn cần nhiều nỗ lực để đạt được mục tiêu quan trọng là nâng hạng TTCK Việt Nam trên danh sách các thị trường mới nổi (Emerging Markets) trước năm 2025.
Còn theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Tài chính DN, Bộ Tài chính, mặc dù đã có sự phát triển vượt bậc so những năm đầu mở cửa, song tỷ lệ huy động vốn qua thị trường chưa đạt kỳ vọng. Mức độ đa dạng hóa của hàng hóa trên thị trường hạn chế làm cho mức biến động trên thị trường cao. Sau hơn 20 năm phát triển, cấu trúc TTV của Việt Nam đã được định hình rõ nét, gồm hai cấu phần chính là TTCK và TTTD trung, dài hạn, nhằm tạo ra kênh dẫn vốn hữu hiệu cho Chính phủ, các DN và cả nền kinh tế. Đa dạng sản phẩm, nâng cao quản trị DN, tăng tính thanh khoản cho cổ đông nhà nước và nâng hạng thị trường... là những nút thắt cần được tháo gỡ để TTV bảo đảm cho yêu cầu phát triển.
Hơn thế nữa, phát triển TTV sẽ góp phần thúc đẩy các DN nhà nước (DNNN) sớm hoàn thành quy trình quản trị DN minh bạch, rõ ràng, đặc biệt là các công ty đại chúng có vốn nhà nước; qua đó thúc đẩy tăng khối lượng giao dịch trên thị trường, tăng tính thanh khoản cho cổ đông nhà nước. Phát triển TTV cũng sẽ thúc đẩy các DNNN tham gia huy động vốn theo hướng giảm tỷ trọng vay tín dụng thương mại, giảm áp lực tăng giá phí trong nước; đa dạng các hình thức huy động bổ sung vốn.
Theo nhiều chuyên gia, hoạt động tín dụng dần tới hạn khi tốc độ tăng tín dụng/GDP của Việt Nam vẫn ở mức cao trong khu vực. Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm, tuy nhiên chưa đồng đều và chưa thật sự hỗ trợ DN. Cùng với đó, dịch Covid-19 chưa biết bao giờ kết thúc gây ảnh hưởng lên chuỗi giá trị toàn cầu, tạo áp lực với DN và làm dày lên nguy cơ nợ xấu...
Để phát triển TTV trong bối cảnh mới, theo ông Đặng Quyết Tiến, cần tập trung các giải pháp nhằm ổn định tâm lý NĐT, theo dõi sát các biến động về dòng vốn của NĐT nước ngoài để có những giải pháp, chính sách kịp thời, phù hợp. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cần có các giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy các DN niêm yết trên sàn chứng khoán, nhằm đa dạng hóa nguồn cung và ngành nghề trên thị trường, đồng thời giảm áp lực huy động vốn qua kênh NH. Đặc biệt, để gắn sự phát triển của TTV với lộ trình tái cấu trúc DNNN giai đoạn 2021 - 2025 cần triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều nhóm giải pháp. Đặc biệt, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển TTCK; triển khai Đề án thành lập sàn giao dịch vốn cho DN khởi nghiệp sáng tạo và hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ xem xét, cho phép DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nếu đủ điều kiện được niêm yết trên thị trường; ban hành danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trên cơ sở đó phải quản lý đầu tư nước ngoài ngay tại thời điểm thành lập...
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, để phát triển hơn nữa TTV cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan, chú trọng phát triển trái phiếu DN, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn gắn với niêm yết; đồng thời, nâng cao năng lực giám sát rủi ro hệ thống, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu thị trường. Trong kỷ nguyên mới, để phát triển TTV cân bằng với TTTD, cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán 2019; vận hành Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam; tiếp tục triển khai các giải pháp tái cấu trúc TTCK; chú trọng phát triển thị trường trái phiếu DN hơn. Ngoài ra, cần thực hiện các giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam lên nhóm thị trường mới nổi vào năm 2023; nâng cao năng lực quản lý, giám sát rủi ro hệ thống; tăng tính độc lập của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Đặc biệt, kỷ nguyên mới đòi hỏi những nỗ lực nâng tầm quản trị DN, tính chuyên nghiệp của cộng đồng NĐT và khả năng điều hành thị trường của cơ quan quản lý.
Vụ trưởng Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Tú Anh cũng cho rằng, đối với TTCP cần hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn quy định về phát hành trái phiếu DN ra công chúng, phát hành riêng lẻ để thi hành cùng Luật Chứng khoán và Luật DN đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2021.