Dệt may đón sóng đầu tư FDI

Bảy tháng năm 2015, ngành Dệt may đứng thứ hai về thu hút vốn và dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với hơn 1,12 tỉ USD chiếm hơn 20% tổng vốn.

Cụ thể, theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, trong tổng số vốn 5,85 tỉ USD đầu tư 7 tháng năm 2015, dệt may chiếm hơn 1 tỉ USD, với 3 dự án lớn là dự án máy sản xuất và chế biến sợi của nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng ở Đồng Nai với tổng vốn đầu tư lên đến 660 triệu USD, cao nhất từ trước tới nay.

Kế đến là dự án sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may đầu tư tại Bình Dương, có vốn đầu tư đăng ký 274 triệu USD của Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Đài Loan) và cuối cùng là dự án nhà máy sợi, vải màu Lu Thai có tổng vốn đầu tư 160,8 triệu USD của nhà đầu tư Hong Kong tại tỉnh Tây Ninh…

Một trong những nguyên nhân khiến ngành dệt may Việt Nam thu hút nhiều FDI và số vốn của dự án lớn trong thời gian vừa qua chính là các cơ hội và thế mạnh của ngành này ngày một tăng.

Việt Nam đang tham gia sân chơi tự do thuế quan với nhiều nước trên thế giới, trong đó có 8 hiệp định thương mại tự do với hầu hết các nước lớn như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… Đây đều là những thị trường xuất khẩu dệt may chủ lực của Việt Nam.

Theo phân tích từ Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu dệt may nước ta vào EU khi chưa có FTA chỉ đạt khoảng trên 300 triệu USD/năm. Nhưng khi FTA Việt Nam-EU có hiệu lực, kim ngạch sẽ tăng trưởng khoảng 50% trong năm đầu tiên và khoảng 20% trong năm tiếp theo.

Đó là chưa kể, nếu TPP cũng được thông qua, sản phẩm dệt may Việt Nam xuất vào Mỹ, EU được giảm thuế còn 0% thì lợi thế cạnh tranh còn lớn hơn.

Có thể nói, với hàng loạt lợi thế có được từ các hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã gia nhập, Việt Nam đang trở thành mảnh đất đầy tiềm năng cho các DN dệt may ngoại đầu tư.

 Nguồn: Báo Chính Phủ