Giai đoạn 2021 - 2030, TP.HCM đầu tư nhiều loại hình vận tải buýt đường thủy, taxi thủy phục vụ vận tải hành khách đô thị và du lịch.
UBND TP.HCM vừa giao Sở GTVT TP phê duyệt đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, trong đó có nhiệm vụ phát triển vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy.
Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, thành phố nghiên cứu đầu tư phát triển tuyến vận tải hành khách đường thủy từ TP.HCM đi các tỉnh Tiền Giang, Long An.
Giai đoạn 2026 - 2030, đa dạng hóa các loại hình vận tải buýt đường thủy, taxi thủy phục vụ vận tải hành khách đô thị và du lịch.
Cụ thể, 6 tuyến đường thủy gồm: tuyến 1, Sài Gòn - Quận 7; tuyến 2, Sài Gòn - Bình Lợi, Bình Hòa; tuyến 3, Sài Gòn - kênh Tẻ - kênh Đôi - sông Chợ Đệm; tuyến 4, Sài Gòn - Hiệp Phước; tuyến 5, Bạch Đằng - Rạch Chiếc - phân khu phía Đông VinCity; tuyến 6, sông Sài Gòn - sông Vàm Thuật - rạch Bến Cát - sông Trường Đai - kênh Tham Lương.
UBND TP.HCM cũng yêu cầu Sở GTVT đầu tư hạ tầng giao thông đường thủy kết nối với hệ thống cảng biển, trong đó nạo vét luồng, nâng cấp các công trình. Các công trình nâng cấp gồm: các cầu trên các tuyến Rạch Chiếc - Trau Trảu - sông Tắc, cầu Ông Nhiêu, các cầu trên tuyến rạch Giồng Ông Tố - rạch Đồng Trong.
Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng cảng cạn Long Bình mới trên sông Đồng Nai phục vụ di dời cụm cảng Trường Thọ; cảng cạn trong khu công nghệ cao trên rạch Ông Nhiêu phục vụ trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, khai thác hạ tầng đường thủy hiện hữu kết hợp kêu gọi xã hội hóa đầu tư các bến thủy nội địa trên các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn TP. Đặc biệt, ưu tiên đầu tư phát triển vận tải hành khách, khách du lịch đường thủy trên địa bàn huyện Cần Giờ, Củ Chi.