Đây là diễn đàn đối thoại chính sách cao cấp giữa lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, các bộ ngành liên quan với cộng đồng các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ quốc tế, nhà đầu tư, doanh nghiệp và các hiệp hội.
Mục tiêu hội nghị là cập nhật các chủ trương, định hướng, luật định và chính sách mới của Chính phủ Việt Nam, ngành nông nghiệp về hội nhập kinh tế quốc tế; thu thập các khuyến nghị, giải pháp, kinh nghiệm về hội nhập kinh tế của ngành nông nghiệp nhằm bổ sung, hoàn thiện chiến lược hội nhập kinh tế của ngành đến 2020, tầm nhìn 2030 trình Thủ tướng phê duyệt.
Tham luận của các đại biểu cũng tập trung vào các chủ đề trên, đồng thời đánh giá tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong khu vực, thế giới và Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cũng thừa nhận, đây chính là thách thức lớn của nền nông nghiệp Việt Nam, với một nền nông nghiệp chủ yếu dựa vào nông hộ.
Đánh giá về tình hình kinh tế sau 6 năm hội nhập, Bộ Trưởng Cao Đức Phát cho rằng, mặc dù, quy mô sản xuất nhỏ, phân tán nhưng trong bối cảnh hầu hết nông dân đều tham gia vào sản xuất hàng hóa nên việc mở rộng thương mại quốc tế đem lại hiệu quả lan tỏa sâu rộng trong việc tạo việc làm và thu nhập của đông đảo người lao động kể cả người nghèo và người dân tộc thiểu số.
Thực hiện nguyên tắc tự do hóa thương mại, Việt Nam chấp nhận mở cửa thị trường nhập khẩu các nông sản hàng hóa mà mình không có thế mạnh nhờ đó vừa cải thiện đời sống, tăng phúc lợi cho người tiêu dùng trong nước, tạo điều kiện cho họ tiếp cận với hàng hóa có chất lượng và giá bán tốt hơn đồng thời phát triển mối quan hệ đa phương công bằng và hiệu quả.
Trước những thách thức và cơ hội đó, các đại biểu tham dự Hội nghị đều thống nhất tập trung các giải pháp tạo điều kiện để các hộ nông dân có quy mô nhỏ lên mô hình cao hơn với nền kinh tế tập trung và tham gia vào thị trường hàng hóa, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo Bộ Trưởng Cao Đức Phát, đưa nông hộ nhỏ vào hội nhập và hỗ trợ họ hội nhập bằng cách đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy các mô hình sản xuất có tính liên kết nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp và theo hình thức hợp tác công tư (PPP); đồng thời tiến hành tái cơ cấu nông nghiệp, nhà nước đóng vai trò dẫn dắt nông dân bằng việc ra các chính sách hỗ trợ sản xuất.
Trong bối cảnh hiện nay, ngành nông nghiệp đang tập trung triển khai sâu rộng tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và đây sẽ là giải pháp quan trọng nhất, căn cơ nhất thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam hội nhập.
“Về các chính sách, chủ trương thúc đẩy mới, hiện Bộ đang xây dựng dự thảo chiến lược hội nhập quốc tế ngành nông nghiệp đến 2020, tầm nhìn đến 2030 sẽ trình Thủ tướng phê duyệt tới đây nhằm tối đa hóa các lợi ích từ hội nhập kinh tế quốc tế đối với nông nghiệp, nông thôn góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực, rủi ro đến nông dân Việt Nam,” Bộ Trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn