Strengthening the transparency of bidding activities in the field of Auditing

(BĐT) - Nếu một cuộc thầu mà các nhà thầu chỉ “chạy đua” về giá thì sẽ mang lại rất nhiều rủi ro, kể cả cho chủ đầu tư/bên mời thầu cũng như nhà thầu trúng thầu. Điều này lại càng đặc biệt quan trọng đối với lĩnh vực kiểm toán, lĩnh vực coi trọng về chất lượng dịch vụ.

310718 BaiVietVeAASC BaoDauThauAASC luôn chú trọng công tác tuyển dụng đầu vào, đào tạo rèn luyện nguồn nhân lực chất lượng cao về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp

Đây là nhận định của một số công ty kiểm toán đang hoạt động tại Việt Nam, bao gồm các công ty kiểm toán lớn, có thương hiệu và cả các công ty nhỏ gặp khó khăn trong quá trình thực hiện các dịch vụ kiểm toán và tư vấn.

“Sân của ai, người đấy đá”

Chia sẻ về thực trạng giảm giá sâu giữa các nhà thầu kiểm toán với Báo Đấu thầu, một nhà thầu cho biết, hiện nay hầu như “sân của ai, người đấy đá”. Doanh nghiệp nào có doanh số lớn và có tên tuổi thì sẽ dễ kiếm được hợp đồng tốt hơn. Nhiều gói thầu không phải đấu thầu rộng rãi, đa số là chỉ định thầu, hoặc đấu thầu hạn chế như các gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn ODA của nhà tài trợ, hoặc của các tập đoàn, tổng công ty, hoặc dự án có vốn đầu tư nước ngoài và thường là dành cho nhóm doanh nghiệp thuộc “Big 4” (gồm: PricewaterhouseCoopers (PWC), Deloitte, Ernst and Young (E&Y), Công ty TNHH KPMG (KPMG) và các công ty kiểm toán lớn.

Đối với những gói thầu quy mô lớn, các tập đoàn, tổng công ty cũng không muốn nhà thầu là những công ty kiểm toán nhỏ vì cho rằng họ không đủ sức. Ngược lại, gói thầu có quy mô lớn thường có khối lượng công việc lớn, nên các công ty nhỏ cũng không dám đảm nhận vì giả sử như họ trúng thầu thì sẽ không còn thời gian để làm những công việc khác. Do đó, những gói thầu có quy mô lớn thường là “sân chơi” dành cho những “ông lớn”. Tại những cuộc thầu này, giá dự thầu có giảm nhưng không giảm sâu, bởi vì giữa các “ông lớn” thường đã có một mặc định về cơ chế giá.

Về kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành, đối với dự án lớn thì cũng tương tự như lĩnh vực kiểm toán báo cáo tài chính, việc đấu thầu thường được thực hiện cho các nhà thầu lớn, có uy tín nên việc giảm giá sâu rất ít khi xảy ra.

Tuy nhiên, khi đối tượng mời thầu được mở rộng hơn, đấu thầu cạnh tranh thì cuộc thầu thường trở thành một cuộc chiến khốc liệt, cạnh tranh rất gay gắt, và việc doanh nghiệp thuộc Big 4 cũng như các công ty kiểm toán lớn giảm giá sâu cũng không phải là một ngoại lệ. Đã có công ty trong nhóm này cũng từng phải giảm giá như vậy khi cần mở rộng thị trường, khách hàng, nhưng cũng rất hiếm khi, bởi điểm kỹ thuật của họ luôn đứng ở top cao. Những công ty chưa có tên tuổi muốn trúng thầu phải hạ giá rất nhiều thì mới có thể cạnh tranh được.

Rủi ro lớn nếu chỉ đấu thầu thiên về giá

Theo một nhà thầu kiểm toán, việc các nhà thầu chào giá thấp có một phần nguyên nhân đến từ phía chủ đầu tư/bên mời thầu. Một số dự án có quy mô nhỏ, nhưng chủ đầu tư không đánh giá đúng nên xây dựng giá gói thầu “trên trời”, dẫn tới có sự chênh lệch lớn giữa giá gói thầu và giá dự thầu.

Không ít nhà thầu còn ngậm ngùi chia sẻ, có nhiều cuộc thầu trong lĩnh vực kiểm toán hiện nay không thực sự “fairplay”, chủ đầu tư/bên mời thầu và nhà thầu “ăn rơ” với nhau. Một khi chủ đầu tư/bên mời thầu đã “nhắm” cho một nhà thầu thân quen thì họ có rất nhiều cách để gạt các nhà thầu khác ra. Muốn cạnh tranh được, không còn cách nào khác là phải giảm giá sâu. Chẳng hạn như một dự án không đòi hỏi kỹ thuật cao và chỉ cần kiểm toán viên bình thường là có thể đảm nhận được, nhưng hồ sơ mời thầu lại đưa ra điểm kỹ thuật rất cao như 75% kỹ thuật, và chỉ 25% là tài chính. Một số hồ sơ mời thầu còn cài những điều kiện về số năm kinh nghiệm, số lượng hợp đồng tương tự, trình độ chuyên môn bậc thạc sĩ, tiến sĩ... vừa khít với nhà thầu “ruột” được chủ đầu tư/bên mời thầu “ướm sẵn”, các nhà thầu khác khó mà “chen chân”.

Nếu chủ đầu tư/bên mời thầu chỉ thiên về giá cả thì rất nguy hiểm, một nhà thầu trong ngành kiểm toán khẳng định, nó sẽ dẫn tới chất lượng dịch vụ không bảo đảm, dù cho nhà thầu chỉ tính đến điểm hòa vốn. Bởi đối với một công ty tư vấn kiểm toán, điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng dịch vụ, và chất lượng kiểm toán viên thế nào quyết định chất lượng dịch vụ thế đó.

Thông thường, một số nhà thầu cho biết, khi tính đến phương án giảm giá, thì sau khi vượt qua chi phí cố định (chi phí khấu hao, chi phí bộ máy hành chính...) tức là vượt qua điểm hòa vốn, người ta sẽ dựa vào chi phí biến đổi (thường liên quan tới chi phí tiền lương, công tác phí) để làm cơ sở tính tới việc giảm giá. Một số nhà thầu có thể chấp nhận giảm giá sâu, ít hoặc không có lợi nhuận, nhằm trúng thầu để lấy kinh nghiệm thực hiện những dự án có quy mô tương tự về sau.

Hiện có hơn 150 công ty kiểm toán hoạt động nhưng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lại chỉ chấp nhận vài chục công ty được kiểm toán cho các đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán. Nếu công ty nào có báo cáo kiểm toán sai thì Ủy ban Chứng khoán sẽ loại kiểm toán viên đó ra, nếu sai nhiều quá thì công ty đó sẽ bị đình chỉ hành nghề kiểm toán.

Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra tình trạng một số công ty vừa và nhỏ xem nhẹ việc phát hành báo cáo kiểm toán. Họ chấp nhận sẽ mất công ty, rồi sau đó đổi tên thành công ty khác để hoạt động tiếp. Các công ty lớn thì không dám mạo hiểm như vậy vì họ coi trọng danh tiếng, uy tín, nếu chỉ sơ sẩy một chút là mất hết.

Thực tế cũng cho thấy, nhiều công ty kiểm toán vừa và nhỏ chưa có bộ phận đào tạo kiểm soát chất lượng tốt. Đó là lý do vì sao một số công ty chưa được thị trường biết đến phải chọn cách gửi “quân” tới đào tạo và làm việc cùng tại các công ty lớn có uy tín để đào tạo kiểm toán viên có chất lượng. Và theo đó là hợp tác để cùng thực hiện các dịch vụ kiểm toán hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng doanh thu và uy tín cho từng công ty kiểm toán và cho hoạt động kiểm toán độc lập. Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC là một trong những đơn vị khởi xướng cách thức hợp tác này và đang thực hiện có hiệu quả, được rất nhiều công ty kiểm toán khác hưởng ứng. AASC đã kêu gọi các hội viên của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cùng hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau để nâng cao uy tín nghề nghiệp kiểm toán độc lập.

Khi được hỏi về giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán, lãnh đạo của AASC cho biết, AASC luôn nhận thức được tầm quan trọng của sứ mệnh lịch sử và uy tín thương hiệu được xây dựng gần ba chục năm nay nên rất chú trọng công tác tuyển dụng đầu vào, đào tạo rèn luyện nguồn nhân lực chất lượng cao về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Hiện giờ, AASC đã có nhiều kiểm toán viên được cấp chứng chỉ trong và ngoài nước, có bề dày kinh nghiệm và bản lĩnh vững vàng, có đạo đức nghề nghiệp kế toán và kiểm toán, thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ, dịch vụ kiểm toán, tư vấn tài chính kế toán, thuế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Nguồn: Trần Nam - http://baodauthau.vn