Lo lạm phát vì quá phụ thuộc nước ngoài

Nguy cơ nhập khẩu lạm phát ngày càng rõ khi giá nguyên liệu nhập khẩu nhiều mặt hàng tăng rất mạnh. Trong lúc này mới lộ rõ nhiều ngành hàng phụ thuộc quá lớn vào nguyên vật liệu nhập khẩu.
Thậm chí, nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất là nông sản Việt Nam cũng không tự chủ được. Có nhiều giải pháp giải bài toán này, nhưng theo nhiều chuyên gia, cần nhạc trưởng giỏi.
Nông dân khổ vì đủ lý do tăng giá
Ngành chăn nuôi và trồng trọt đang gặp khó vì thức ăn chăn nuôi và phân bón đều tăng mạnh thời gian qua.
Với ngành chăn nuôi, một năm qua giá các nguyên liệu như đậu nành, bắp tăng 50 - 60%, giá thức ăn bán lẻ tăng tới hơn 10 lần. Cũng trong khoảng 1 năm qua, giá các sản phẩm chăn nuôi lại liên tục giảm xuống. Ngành gia cầm (gồm gà công nghiệp, gà tam hoàng, vịt thịt, gà và vịt đẻ trứng) đa số thua lỗ trong cả năm qua vì bán sản phẩm dưới giá thành.
Theo các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, dù giá đã tăng 6 - 7 lần từ đầu năm đến nay nhưng vẫn còn thấp hơn mức tăng giá của nguyên liệu đầu vào. Vì vậy, trong thời gian tới giá bán thức ăn chăn nuôi sẽ còn tiếp tục tăng trước khi ổn định trở lại.
Ông Phạm Đức Bình, phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, cho hay Việt Nam hiện đang phải nhập khẩu tới 70 - 80% nguyên liệu để chế biến thức ăn cho ngành chăn nuôi trong nước. Do đó, việc tăng giá nguyên liệu như bắp, đậu nành, lúa mì... trên thế giới thời gian qua ảnh hưởng lớn tới giá thành sản xuất trong nước. 
Với mức độ phụ thuộc lớn như vậy, Việt Nam rất khó giảm giá thành mà chỉ có cách sống chung và thích ứng với thị trường thế giới.
Nông dân ngành trồng trọt cũng đang gặp khó không kém khi giá đầu vào là phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật và chi phí vận chuyển tăng vọt. Theo các đại lý phân bón, giá bán urê mới được các công ty sản xuất trong nước tăng lên 10.300 đồng/kg. Theo đó, giá bán lẻ tới tay nông dân sẽ ở mức 11.300 đồng/kg.
Ông Nguyễn Đức An Sơn - giám đốc Công ty SSG International, đơn vị kinh doanh phân bón tại TP.HCM - cho rằng đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay. 
"Nếu DAP hay lân còn nói là nguyên liệu nhập khẩu tăng để tăng giá thì đạm urê hoàn toàn là sản xuất trong nước, nguyên liệu trong nước nhưng các công ty cũng tranh thủ đẩy giá bán thời gian qua là quá vô lý", ông Sơn nói.
Doanh nghiệp cũng lao đao
Ông Nghiêm Xuân Đa, chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết mặc dù Chính phủ đã có biện pháp kiểm soát giá thép nhưng giá trên thế giới vẫn đang xu hướng tăng. "Với sự tăng nóng của thị trường trong khi công cụ điều chỉnh của Nhà nước chỉ có giới hạn, chỉ kiềm chế được phần nào" - ông Đa nói.
Nhiều ý kiến lo ngại ngành xây dựng sẽ rối loạn, đình trệ vì chi phí tăng quá lớn; nhiều doanh nghiệp chấp nhận chịu phạt, dừng làm vì làm còn lỗ nhiều hơn. Ngay cả các dự án đầu tư công cũng bị ảnh hưởng vì nhà thầu bế tắc trước giá tăng. 
"Vì vậy, cần nhạc trưởng giỏi để thúc đẩy tăng cung, điều phối để tránh cơn lốc giá" - lãnh đạo một doanh nghiệp lớn nói.
Thép còn là nguyên liệu chính cho nhiều ngành sản xuất cơ bản như cơ khí, chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ... 
Bà Trương Thị Chí Bình, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, cho hay từ sau tết giá nhiều nguyên liệu đầu vào đã tăng tới 50%, trong đó giá thép tăng mạnh nhất. Nhiều doanh nghiệp cung cấp linh kiện, như cho các hãng xe máy, phải "cắn răng" vì hầu hết các đối tác đều không đồng ý tăng giá mua.
Không dễ tự chủ, cần giải pháp căn cơ
Để tự chủ nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi không dễ, vì theo ông Phạm Đức Bình, dù trong nhiều năm kêu gọi tự chủ nguyên liệu cho ngành thức ăn chăn nuôi nhưng đều không thể làm được. 
Đơn cử việc cơ giới hóa để trồng bắp đều thất bại ở nhiều tỉnh như Sơn La và Đồng Nai, nông dân đều phải bỏ trồng bắp để trồng cây ăn trái mang lại kinh tế cao hơn. Diện tích khoai mì cũng giảm mạnh, sản phẩm đậu nành chất lượng thấp, giá thành sản xuất đều không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Còn ông Nguyễn Trí Công, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng để tự chủ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi với Việt Nam là không thể vì diện tích đất của Việt Nam có giới hạn, dân số đông và nhu cầu tiêu thụ các loại thịt sẽ tiếp tục tăng lên. Vì thế, cách tốt nhất với ngành chăn nuôi heo là nâng cao được chất lượng con giống. 
Có những thời điểm Việt Nam có đàn heo nái trên 4 triệu con mới sản xuất đủ lượng heo giống và heo thịt cho tiêu thụ trong nước. Trong khi đó, nếu cải thiện được giống heo bằng 80 - 90% chất lượng heo các nước tiên tiến, Việt Nam có thể giảm hơn 1 triệu heo nái mà vẫn đảm bảo đủ lượng heo thịt cho tiêu dùng nội địa. 
"Giảm hơn 1 triệu heo nái là chúng ta tiết kiệm được cả triệu tấn thức ăn chăn nuôi mỗi năm", ông Trí Công phân tích.
"Nhiều lĩnh vực đã có phân công lao động quốc tế rồi nên rất khó để chúng ta "ôm" làm mọi thứ. Nhưng cần tập trung đầu tư vào những ngành có thế mạnh như nông sản, lúa gạo để xuất khẩu, tạo giá trị gia tăng và nhập về những sản phẩm ta không có lợi thế, đi kèm các chính sách tái cơ cấu ngành để nâng cao sức cạnh tranh" - ông Bình đề xuất.
Đồng quan điểm, bà Trương Thị Chí Bình cũng cho rằng để có thể sớm hạ nhiệt giá nguyên liệu đầu vào sản xuất rất khó, bởi phần lớn linh kiện đều nhập khẩu và bị phụ thuộc. Do đó bên cạnh việc kiểm soát giá, Nhà nước cần đặt trọng tâm vào các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để giảm các chi phí đầu vào như giãn, hoãn thuế hoặc thậm chí với những lĩnh vực ưu tiên cần miễn thuế.
"Về lâu dài, cần có chính sách tạo cú hích cho ngành sản xuất nguyên vật liệu cơ bản phát triển để tự chủ phần nào nguyên vật liệu. Như cần phải có kế hoạch sản xuất thép chế tạo, chứ không thể nào không có thép chế tạo và phải hoàn toàn phụ thuộc nhập khẩu; cơ cấu lại các ngành sản xuất cơ bản để tăng tính tự chủ cao hơn, giảm rủi ro khi thị trường có biến động" - bà Bình kiến nghị.