Ông Ngô Đức Đoàn, Tổng giám đốc AASC: Hội nhập không đổi màu

07 ZGFL
(ĐTCK) Mỗi khi chưa thông hiểu những thuật ngữ, con số loằng ngoằng trên báo cáo tài chính của một doanh nghiệp, tôi thường cầu cứu các chuyên gia của Hãng Kiểm toán AASC. Nhưng cuộc trò chuyện với vị CEO công ty kiểm toán “made in 100% Việt Nam” này mới đây lại nằm ngoài những câu chuyện nghiệp vụ.

1. 13/5/1991 là ngày đáng nhớ với ông Đoàn và các cộng sự được Bộ Tài chính điều động về Công ty Kiểm toán AASC, 1 trong 2 công ty kiểm toán đầu tiên tại Việt Nam. Nhìn lại chặng đường 25 năm gắn bó với AASC, trong đó có nhiều năm ở  vị trí thuyền trưởng, ông bảo: “Tôi có một cái gì đó, có thể là cái nghiệp, cái duyên với anh em ở đây khi qua nhiều sóng gió, họ luôn tin tưởng mình”.

Theo dòng hồi ức của ông Đoàn, thời điểm AASC chuyển đổi mô hình hoạt động từ công ty nhà nước (trực thuộc Bộ Tài chính) sang mô hình công ty TNHH có hai thành viên trở lên (năm 2007) là giai đoạn khó khăn nhất của Công ty khi tâm lý anh em dao động, bất an, nguồn lực bị phân tán. Kiểm toán viên vốn là “tài sản” lớn nhất của một công ty kiểm toán thì trong năm đầu chuyển đổi, từ chỗ đang có 118 kiểm toán viên, Công ty chỉ còn 36 kiểm toán viên.

Ông kể, giai đoạn đó, thị trường chứng khoán, ngân hàng bùng nổ, thu hút không ít nhân sự kiểm toán ra ngoài, hoặc anh em đua nhau ra lập công ty kiểm toán mới. Có những người cũ biết Công ty đang gặp khó đã lợi dụng để hạ uy tín, tìm cách mua lại trụ sở, hòng đuổi những người đang ở bước khó khăn ra đường.

Ngày 11/10 tới, ông Ngô Đức Đoàn, Tổng giám đốc AASC vinh dự là 1 trong 100 doanh nhân tiêu biểu được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Cúp Thánh Gióng. Giải thưởng do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức bình chọn 3 năm 1 lần từ hàng ngàn doanh nhân được các bộ, ngành và địa phương đề cử.

Trước tình thế đó, ông Đoàn cùng tập thể lãnh đạo AASC đặt ra mục tiêu phải nhanh chóng ổn định lại Công ty. Trong hai năm đầu, AASC chấp nhận doanh thu, kết quả chững lại, nhưng giữ được khách hàng, củng cố niềm tin của các nhân sự trong Công ty. Năm 2009, AASC rơi xuống vị trí thứ 6 trên thị trường kiểm toán, nhưng bước sang năm 2010, Công ty đã lấy lại vị trí thứ 5 sau Big4 và duy trì suốt từ đó đến nay.

Tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập AASC từ 5 năm trước, Tổng Kiểm toán Nhà nước khi ấy nay là Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh rằng: “AASC vẫn giữ được vị trí đầu đàn trong hệ thống các công ty kiểm toán Việt Nam”. Thực sự, người AASC luôn tự hào là công ty kiểm toán số 1 Việt Nam, công ty kiểm toán thuần Việt, không bị biến màu khi hội nhập.

Hỏi ông điều gì khiến ông tự hào nhất trong 25 năm chèo lái AASC, đặc biệt là gần một thập kỷ nay, ông Đoàn không nhắc đến những con số doanh thu hay thị phần mà chia sẻ: “Tập thể 31 thành viên xoay quanh anh trong giai đoạn Công ty khó khăn nhất. Lúc anh bị ốm, anh em càng đoàn kết hơn. Đó chính là thành công lớn”.

Sự đồng thuận, đoàn kết trong Hội đồng thành viên và rộng hơn là cả doanh nghiệp chính là sức mạnh của AASC. Một quyết sách được CEO đưa ra, có thể ban đầu vẫn có những ý kiến khác nhau, nhưng khi đã đạt được sự thống nhất trong Hội đồng thành viên, anh em triển khai ngay và trong chỉ đạo điều hành, rất linh hoạt, quyết liệt.

Gần 100 kiểm toán viên đi khắp đất nước, vậy Công ty kiểm soát thế nào? Tất nhiên, doanh nghiệp phải có hệ thống kiểm soát chất lượng, nhưng những quy định đó chưa thể giúp kiểm toán viên đứng vững trước cám dỗ, nếu họ không có niềm tin vào những người đứng đầu, vào tổ chức họ đang làm việc và có nền tảng đạo đức để làm đúng. Còn làm sếp nếu không nắm chắc trong lĩnh vực này, ông Đoàn bảo “cũng dễ chết như chơi”.

Ông vẫn thường nhắc đồng nghiệp, nhân viên: “Các vị cứ làm đúng, làm cho tốt, hết trách nhiệm của mình đi, có tôi chịu trách nhiệm là người đứng đầu. Còn các vị không làm hết trách nhiệm thì các vị phải chịu trách nhiệm trước Công ty”.

Hội đồng thành viên của AASC hiện nay có 31 người thì có tới 16 nữ. Nghề kiểm toán vô cùng rất vả, quanh năm soi chiếu, tìm đường đi của các con số trên báo cáo tài chính doanh nghiệp xem đã đúng chuẩn mực, chế độ hay chưa.

Không chỉ là những chuyến đi dài ngày tới doanh nghiệp ở khắp mọi miền đất nước, mà vào mùa cao điểm kiểm toán, họ phải làm ngày làm đêm cho kịp tiến độ công bố báo cáo kiểm toán, soát xét của doanh nghiệp. Với phụ nữ, áp lực lại càng lớn hơn, vì ngoài công việc ở Công ty, họ còn phải lo thiên chức của người vợ, người mẹ trong gia đình.

Trong công ty, ông không chỉ là người lãnh đạo cao nhất, mà được anh em coi như người cha, người chú, người anh, chia sẻ tâm tư với anh chị em và truyền lửa để họ yêu nghề, giữ nghiệp. Ông kể, ngay cả khi nằm nhà chữa bệnh, người nhà của cộng sự vẫn gọi điện nhờ ông chia sẻ chuyện gia đình. Vậy là dù mệt, ông vẫn cố gắng gượng đóng vai trò hòa giải.

2. Thị trường kiểm toán Việt Nam đã mở cửa tự do cho các doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài, 5 công ty kiểm toán hàng đầu trên thế giới từ đầu đã hiện diện từ những năm đầu thập niên 1990.

Ông Đoàn bảo, AASC hội nhập từ rất sớm, từ khi chuyển đổi đã học hỏi các công ty trong Big 6, Big 5 và giờ vẫn liên tục học hỏi từ Big 4. Không chỉ có thế mạnh am hiểu phong tục, tập quán kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, nắm vững các quy định pháp luật, chuẩn mực, chế độ kế toán, kiểm toán trong nước, mà các kiểm toán viên AASC đã tiệm cận các chuẩn mực chuyên môn, nghề nghiệp quốc tế.

Lãnh đạo Hoàng Huy Group, một doanh nghiệp có quan hệ kinh doanh với các tập đoàn lớn của Mỹ với yêu cầu rất cao về chất lượng BCTC, chia sẻ, doanh nghiệp được AASC kiểm toán năm 2014, 2015, 2016 và ông thấy từ con người, nghiệp vụ đều rất ổn, trách nhiệm và cũng rất chất lượng.

Từ tháng 2 năm 2011, AASC đã tham gia HLB Quốc tế - Mạng lưới các hãng kiểm toán và tư vấn quản trị chuyên nghiệp. Cùng với các thành viên của HLB Quốc tế với 1.900 chủ phần hùn, 14.000 nhân viên và 500 văn phòng tại hơn 100 quốc gia trên thế giới, AASC có thêm cơ hội đem đến cho khách hàng những dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế hướng đến chiến lược vươn ra thị trường toàn cầu.

Hiện AASC đã có sự hiện diện tại Lào, Campuchia, Thái Lan, Indonesia như kiểm toán các dự án đường cao tốc Thái Lan bằng vốn của WB, tham gia kiểm toán báo cáo của Ban thư ký ASEAN, kiểm toán các dự án đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn Công nghiệp Cao su, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Văn phòng Trung ương Đảng…

Vậy nhưng, ông Đoàn biết rõ, con đường phía trước với AASC, với người chèo lái doanh nghiệp như ông không trải toàn hoa hồng. Thị trường Việt Nam đang có sự cạnh tranh quyết liệt, phía sau là những chiêu trò mà chỉ có người trong cuộc mới cảm nhận được độ nóng của nó, từ hạ giá phí, “quan hệ” với người giới thiệu, đến nói xấu doanh nghiệp bạn, giật khách hàng lẫn nhau…

Thậm chí, ngay cả khi Bộ Tài chính đã có quy định về khung giá phí kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành, vẫn có những bản chào thấp hơn giá sàn được đưa ra. Công ty lớn chấp nhận lỗ ở mảng này nhằm giành khách hàng thực hiện dịch vụ ở mảng khác, lấn sân sang thị trường của nhau, các công ty nhỏ và vừa vì miếng cơm manh áo càng phải hạ phí.

Cuộc cạnh tranh đang ngày càng đi quá xa và hậu quả có thể chưa nhìn thấy ngày một ngày hai. Cái khó này ông đã tìm cách hóa giải, góp ý với các công ty Big 4, hợp tác, chia sẻ, giúp đỡ các công ty vừa và nhỏ để góp phần lành mạnh hóa nền kiểm toán độc lập nước nhà.

3. Doanh nghiệp là cuộc đời của mỗi doanh nhân. Đời kiểm toán của ông Đoàn từng trải qua không ít gian truân bởi ông đã tham gia giám định trong nhiều vụ án kinh tế lớn, mà ranh giới giữa làm đúng quy định và sai lệch với thực tế vô cùng mong manh. Ông từng vào vòng lao lý năm 1988, kiên trì đấu tranh, bảo vệ cái đúng, giữ vững uy tín Công ty và năm sau được Bộ Tài chính bổ nhiệm vị trí lãnh đạo cao hơn. Điều đó để thấy rằng, nghề kiểm toán, định giá, cái nghề tưởng chỉ có chức năng tư vấn, không có vai trò quyết định vẫn có nhiều hiểm nguy như thường.

Năm nay, AASC bước qua tuổi 25, nhưng vị thuyền trưởng thì độ tuổi không còn trẻ. Hỏi ông đã có chuẩn bị gì cho tương lai của AASC và cho chính ông chưa, ông cười: “Mình phải lo từ lâu rồi chứ”. Trong 10 năm tới, khát vọng của AASC vẫn là giữ vững vị thế thương hiệu kiểm toán Việt, là nơi khách hàng trong nước và nước ngoài, cơ quan quản lý, công chúng đầu tư ngày càng tin cậy gửi gắm.

Mong ước lớn nhất của người kiểm toán viên giàu kinh nghiệm, gắn bó với thị trường kiểm toán từ những ngày còn trong trứng nước là doanh nghiệp kiểm toán Việt sẽ đứng vững và vươn lên trong hội nhập, Việt Nam sẽ có những thương hiệu trăm năm.

“Nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc, dù Big 4 đã có sự hiện diện từ lâu, nhưng họ vẫn quyết tâm xây dựng 5 công ty nội địa thật mạnh, cạnh tranh với Big 4. Họ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phân công một Thứ trưởng Bộ Tài chính sang làm Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề. Việt Nam đã có Luật Kiểm toán độc lập, trong Chiến lược phát triển ngành  kế toán - kiểm toán năm 2020 tầm nhìn 2030 cũng đã đề cập đến việc tạo ra những công ty kiểm toán Việt mạnh, nhưng liệu chúng ta có đủ bản lĩnh vượt qua những thách thức đang diễn ra và có đủ niềm tin để tạo dựng thương hiệu kiểm toán Việt trường tồn không?”, ông Đoàn đặt câu hỏi.

Câu trả lời có lẽ quá sức đối với một vị CEO. Về phần mình, bên cạnh những lo toan cho hoạt động của AASC hàng ngày, ông Đoàn đang bồi dưỡng đào tạo đội ngũ kế nhiệm. “Rồi có lúc mình cũng phải nghỉ, còn sức còn tâm huyết, anh em còn tin tưởng thì làm cố vấn, để nhường lại sân cho những đàn em sung sức, trẻ trung, nhanh nhạy hơn. Đại hội 10 Hội đồng Thành viên của AASC trong tháng 11 tới sẽ bàn những câu chuyện đó. Sức sống lâu dài của AASC luôn là điều tôi trăn trở và phải có câu trả lời”, vị thuyền trưởng trải lòng.