Cơ hội bứt phá của thị trường chứng khoán

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng thương mại. Thông tư 36 được cho là đã tác động đến TTCK trong vài phiên vừa qua. Một số quy định mới khắt khe hơn, nhưng là sự khắt khe cần thiết, đặc biệt những quy định liên quan đến sở hữu chéo ngân hàng. Liệu giới đầu tư có cơ hội hay không khi Thông tư 36 có hiệu lực ngày 01 tháng 02 năm 2015 được thi hành?

Dần tiến tới chuyên nghiệp

Theo ông Phạm Huyền Anh – Vụ trưởng Vụ chính sách an toàn hoạt động ngân hàng – Ngân hàng Nhà nước, không chỉ sửa đổi những quy định không còn phù hợp như tại Thông tư 13, Thông tư 36 còn hoàn thiện, bổ sung và tiếp cận sát hơn với thông lệ quốc tế và quản trị ngân hàng và quản lý, giám sát ngân hàng, từng bước thực hiện các quy định của Basel 2 về bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng. Đặc biệt, những quy định tại Thông tư 36 giúp nâng cao năng lực quản trị rủi ro, bảo đảm kiểm soát tốt chất lượng hoạt động, khả năng chi trả, thanh khoản, an toàn hoạt động đầu tư, góp vốn, mua cổ phần, cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, góp phần thực hiện có hiệu quả các Đề án tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, điểm nổi bật của Thông tư 36 lần này là việc hạn chế dòng tiền từ các ngân hàng đổ vào TTCK. Theo đó, các ngân hàng thương mại chỉ được cấp tín dụng dưới hình thức cho vay, chiết khẩu giấy tờ có giá trị đối với khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu khi đáp ứng điều kiện đảm bảo các giới hạn về tỷ lệ đảm bảo an toàn, có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng của ngân hàng trong lĩnh vực kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ. Mặc dù quy định trên mãi tới 1/2/2015 mới được áp dụng nhưng điều này đã tác động không nhỏ tới TTCK trong thời điểm hiện tại khi những quy định này được đưa ra đã làm TTCK giảm điểm liên tục trong những ngày qua.

Ông Phạm Phú Khôi, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán ACB nhận định, với những quy định mang tính siết chặt hơn điều kiện cho vay đầu tư chứng khoán của các tổ chức tín dụng theo Thông tư 36 chắc chắn sẽ có tác động không nhỏ đến TTCK trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, những công ty chứng khoán hoạt động hoàn toàn dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng để tài trợ cho hoạt động giao dịch ký quỹ, cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi các quy định này nếu ngân hàng đó vượt quy định hạn mức cho vay 5% vốn điều lệ. Khi đó, Công ty chứng khoán có thể sẽ phải bán giải chấp cổ phiếu cầm cố vì khó có thể tìm được nguồn vốn thay thế.

Cơ hội cho thị trường chứng khoán

Sau khi Thông tư 36 giới hạn tổng mức tín dụng cấp cho lĩnh vực này giảm từ 20% vốn điều lệ xuống còn 15% vốn điều lệ, các công ty chứng khoán đã bắt đầu tính toán lại mức hạn mức mà các ngân hàng có thể cho vay để đầu tư cổ phiếu. Tuy nhiên, những tính toán này chỉ mang tính tương đối vì hạn mức cho vay của các ngân hàng sẽ phụ thuộc vào từng ngân hàng và từng thời điểm. Căn cứ vào những số liệu đầu vào như tổng dư nợ, tỷ lệ nợ xấu (đối với những ngân hàng có nợ xấu trên 3% sẽ không được cho vay đầu tư cổ phiếu) co giãn và thay đổi từng ngày. Đầu vào biến thiên sẽ kéo theo đầu ra biến thiên. Vì vậy, việc tính tổng hạn mức là việc không nên làm.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc tính tổng hạn mức sẽ không quan trọng bằng những vấn đề sau:

Thứ nhất: Các ngân hàng (nhất là các ngân hàng cổ phần) bao giờ cũng ưu tiên cho các ông chủ vay tiền để đầu tư cổ phiếu ngân hàng, nay việc này bị siết, thì họ sẽ rút nguồn cho vay bên ngoài để tăng cường cho vay bên trong. Việc ngân hàng mẹ cấp hạn mức tín dụng cho các công ty chứng khoán con cũng không còn. Đây sẽ là hai nguồn sụt giảm chủ yếu.

Thứ hai: Nhiều cổ đông lớn ngân hàng vay đầu tư bất động sản, nay họ bị giới hạn tỷ lệ vay, họ sẽ ưu tiên cho bất động sản hơn chứng khoán vì cổ phiếu thanh khoản hơn. Nếu phải trả bớt nợ cho ngân hàng, họ sẽ “giải phóng” cổ phiếu thay vì các dự án bất động sản. Ai sẽ đỡ sự “giải phóng” ấy?

Thứ ba: Theo mục 5, điều 14, “khoản cấp tín dụng của ngân hàng cho khách hàng để đầu tư cổ phiếu không được đảm bảo bằng chính cổ phiếu đó”, tức là tài sản hình thành từ vốn vay không được dùng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay. Việc vay tiền mua cổ phiếu, rồi thế chấp cổ phiếu vay tiếp vòng hai sẽ phải dừng lại.

Có thể cổ phiếu ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên và đến lượt mình nó sẽ gây tác động dây chuyền đến một số loại cổ phiếu khác. Vậy tại sao lại nói Thông tư 36 dọn đường cho chứng khoán?

Diễn biến của thị trường trong nhiều tháng nay cho thấy, các mã blue-chips, các cổ phiếu có chỉ số cơ bản tốt đã không tăng trưởng. ½ giá trị giao dịch của 2 sàn là dựa vào margin, trong khi đó margin lại đang chảy mạnh vào những cổ phiếu mang tính đầu cơ, đẩy thị trường vào trạng thái không an toàn. Nếu margin giảm bớt, thị trường có thể điều chỉnh nhưng là điều chỉnh để trở nên khỏe mạnh hơn. Khi ấy tiền thật sẽ tham gia và một nền tảng bền vững sẽ được thiết lập.

TTCK sẽ có bước tăng trưởng mạnh khi giá xăng dầu giảm mạnh, giá nhiều nguyên liệu đầu vào cũng giảm đang tạo cơ hội cho sản xuất hồi phục, như vậy, các doanh nghiệp sản xuất, trong đó có niêm yết sẽ hưởng lợi. Lạm phát cả năm dự báo 3%, thấp nhất trong một thập kỷ, sẽ kéo lãi suất có khả năng xuống thêm chừng 1%/năm nữa, trong khi các kênh đầu tư truyền thống như vàng, ngoại tệ không còn hấp lực, bất động sản còn khó khăn, tiền nhàn rỗi không sớm thì muộn sẽ đổ vào chứng khoán. Những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, chia cổ tức cao hơn lãi suất tiết kiệm sẽ là điểm đến của dòng tiền. Một thời cơ thứ hai của chứng khoán sau năm 2007 đang ở trong tầm tay.

Đình Thanh

Nguồn: vccinews.vn