AASC và khát vọng "màu cờ, sắc áo" Kiểm toán Việt

Ngành kiểm toán độc lập Việt Nam ra đời năm 1991 với hai công ty được Bộ Tài chính thành lập, trong đó có Công ty Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán (AASC) trước đây, cũng chính là Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC ngày nay. Có thể nói AASC là nhân tố quan trọng đưa kiểm toán độc lập, từ một loại hình chưa hề có ở Việt Nam, nay được khẳng định như một nhu cầu tất yếu trong nâng cao chất lượng quản lý doanh nghiệp. Theo ông Ngô Đức Đoàn - Chủ tịch HĐTV AASC, con người chính là yếu tố cốt lõi giúp AASC từng bước phát triển thu hẹp khoảng cách với các doanh nghiệp kiểm toán quốc tế lớn tại Việt Nam.

A1 ông Ngô Đức Đoàn Chủ tịch HĐTV Công ty

Sau gần 32 năm hoạt động và 16 năm chuyển đổi mô hình, đâu là điều khiến ông trăn trở về AASC và ngành kiểm toán độc lập?

Công ty Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán (AASC) – Bộ Tài chính trước đây, Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC ngày nay là một trong hai công ty kiểm toán thuần Việt được thành lập đầu tiên của Việt Nam. Với quan điểm “hòa nhập” nhưng không “hòa tan”, Ban lãnh đạo AASC đã kiên định “xây dựng doanh nghiệp kiểm toán Việt” đi lên từ nội lực của con Lạc cháu Hồng. Không có lợi thế khi mới thành lập, trải qua nhiều sóng gió và thăng trầm, nhờ sự đồng thuận của những người yêu AASC, yêu địa chỉ đỏ số 1 Lê Phụng Hiểu, Hà Nội, Công ty hôm nay đã có những bước đi vững chắc.

Biến động kinh tế và chuyển đổi số ngày càng sâu rộng đang đặt ra thách thức lớn về hội nhập quốc tế với công tác kiểm toán ở Việt Nam. Vì vậy, sức sống lâu dài của AASC và khát vọng phát triển công ty vì một nền kiểm toán “màu cờ, sắc áo” Việt Nam luôn là điều chúng tôi trăn trở.

Ông đánh giá thế nào về thực trạng của ngành kiểm toán hiện nay?

Trong điều kiện hội nhập quốc tế, việc cung cấp thông tin giúp minh bạch thị trường và nền kinh tế qua hoạt động kế toán, kiểm toán ngày càng quan trọng. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra sẽ tác động mạnh đến mọi lĩnh vực nói chung, lĩnh vực kiểm toán và thẩm định giá nói riêng. Hiện nay nghề kiểm toán cũng đang có những đổi mới liên tục; các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện. Đội ngũ kiểm toán viên ở Việt Nam ngày càng phát triển về lượng và tiến bộ về chất lượng. Tuy nhiên, trước những bối cảnh mới, đặc biệt để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra tại Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030 theo Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 23/5/2022 của Chính phủ, tôi nghĩ cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong thời gian tới, trong đó thành tố con người là căn cốt.

Yếu tố này đang được gắn liền với việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp mà AASC theo đuổi thế nào, thưa ông?

Tại AASC, con người là tài sản quý giá nhất, quyết định sự thành công, phát triển của Hãng. Mỗi cá nhân sẽ luôn được quán triệt ý thức, thái độ tích cực, hướng đến mục đích chung, làm việc tận tâm, tận lực, không vụ lợi, luôn cảm thông, chia sẻ, bảo vệ lợi ích hợp pháp của khách hàng, của Hãng và của Ngành kiểm toán.

Để hội nhập sâu rộng, có thể thấy một trong những yếu tố góp phần vào thành công của những doanh nghiệp dẫn đầu thị trường hiện nay chính là xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Với AASC, chúng tôi chú tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về chuyên môn, chuyên ngành, đặc biệt là tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, truyền cảm hứng cho nhân viên thông qua cam kết thực hiện hệ thống tiêu chuẩn về Chuẩn mực hành vi nghề nghiệp. Năm 2013, Bộ Quy tắc ứng xử của AASC được phát hành lần đầu dưới tên gọi “Sổ tay văn hóa” nhằm hướng dẫn hành vi ứng xử của từng cá nhân, hướng tới triết lý kinh doanh; bảo tồn, phát huy giá trị cốt lõi mà các thế hệ AASC đã dày công vun đắp, dựa trên 5 nền tảng “Minh bạch - Độc lập - Am hiểu - Tin cậy - Bền vững”. Từ đó cam kết: “Trung thực - Uy tín” cùng sự “Trọn nghĩa - Vẹn tình” nhằm tu dưỡng rèn luyện con người AASC, phát triển Công ty vững mạnh.

Theo tôi, văn hóa doanh nghiệp mạnh hơn bất cứ KPI hay những quy định quản trị cụ thể nào, để bộ máy quản lý vận hành, nhịp nhàng ăn khớp. Đây cũng chính là sức mạnh nội lực được nhiều đối tác và các nhà quản trị doanh nghiệp hiện đại trên thế giới đánh giá là yếu tố sẽ đưa doanh nghiệp tiến xa hơn.

Được biết, năm 2022, VCCI đã công bố Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam và phát động thực hiện trong cộng đồng doanh nhân. Chắc chắn thời gian tới AASC sẽ đồng hành cùng VCCI phát triển và nhân bản văn hóa doanh nhân trở thành một phần không thể thiếu trong môi trường doanh nghiệp.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Bảo Ngọc (Vietnam Business Forum) 

Nguồn: https://vccinews.vn/news/46425/aasc-va-khat-vong-%E2%80%9Cmau-co-sac-ao%E2%80%9D-kiem-toan-viet.html