Về tổng thể, trong trung hạn, theo nhận định của nhiều chuyên gia, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tiếp tục ở mức khiêm tốn và trạng thái ổn định kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục được củng cố; và kinh tế Việt Nam năm 2015 sẽ chuyển sáng đậm nét và vững chắc hơn năm 2014.
Những dự báo khả quan
Ngày 10-12-2014, Liên hợp quốc công bố báo cáo về tình hình và triển vọng kinh tế 2015 cho thấy, kinh tế toàn cầu được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong hai năm tới bất chấp những tàn dư từ cuộc khủng hoảng tài chính, thách thức địa chính trị toàn cầu và đại dịch Ebola ở Tây Phi kìm hãm đà tăng trưởng.
Kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng 3,1% trong năm 2015 và tăng lên 3,3% trong năm 2016. Tuy nhiên, thế giới sẽ vẫn đối diện với nhiều thách thức và lúng túng về tái cấu trúc và tìm kiếm mô hình, động lực tăng trưởng mới, theo đó tình trạng thất nghiệp cao kéo dài và áp lực gia tăng nợ công bởi những căng thẳng và tranh chấp quân sự, biên giới, lãnh hải và chính trị song phương hoặc đa phương trên khắp thế giới.
Dự báo của một số tổ chức quốc tế, năm 2015, Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng GDP từ 5,8 đến 6,2 %; CPI cả năm dưới 7% và các ngành kinh tế xuất khẩu sẽ có nhiều bứt phá quan trọng do nhận được nhiều xung lực phát triển tích cực mới từ những FTA mà Việt Nam đang và sẽ tham gia, tiêu biểu là cộng đồng kinh tế ASEAN, TPP, FTD Việt Nam - Hàn Quốc và Việt Nam - Liên minh hải quan Nga - Belarut - Kazakhstan…
Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 được Quốc hội thông qua, với 89,54% số phiếu tán thành, đã đặt mục tiêu cho năm 2015, theo đó tăng 6,2% GDP. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; nhập siêu khoảng 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 30-32% GDP; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%; tỷ lệ trẻ em dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 15%.
Theo nhận định của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (NFSC), năm 2015 tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục xu thế phục hồi và mục tiêu tăng trưởng 6,2% là khả thi. Trong khi đó, môi trường kinh tế vĩ mô có điều kiện để duy trì ổn định, nhất là đối với mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Với dự báo giá dầu thế giới trong năm 2015 giảm 33% và giả định giá xăng dầu trong nước giảm tương ứng, NFSC ước tính giá thành sản phẩm sản xuất trong nước sẽ giảm 3%. Bên cạnh thuận lợi do sự cải thiện về tiêu dùng và đầu tư tư nhân, theo NFSC tăng trưởng trong năm vẫn còn những khó khăn do kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và không ít bất trắc; và giá dầu giảm ảnh hưởng đến cân đối ngân sách và khả năng đáp ứng vốn cho đầu tư phát triển; giá hàng hóa thế giới giảm, trong khi tốc độ tăng xuất khẩu đang có xu hướng giảm nhanh, nhất là khu vực nước ngoài.
Các ngành du lịch, nông nghiệp, thủy, hải sản sẽ tiếp tục tăng trưởng thuận lợi. Xuất khẩu lao động, cả lao động giản đơn và lao động có trình độ chuyên môn, trong đó có bác sĩ, điều dưỡng viên trung cấp sẽ là một trong các trọng tâm tạo đột phá mới cho tăng trưởng việc làm. Ngành công nghiệp phụ trợ từng bước được định hình và phát triển theo hướng tham gia chuỗi cung ứng quốc tế với các thành viên tham gia FTA với Việt Nam.
Tuy nhiên, những ngành còn khó khăn sẽ liên quan nhiều đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản cao cấp; cơ khí chế tạo, các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ có cơ cấu sản phẩm và trình độ công nghệ lạc hậu; các DN nhà nước trì trệ, chậm đổi mới mô hình tổ chức và trang thiết bị, công nghệ và cả năng lực quản trị.
Hệ thống ngân hàng vẫn đối diện với áp lực giảm nợ xấu và sở hữu chéo, nâng cao năng lực quản trị và chuẩn hóa các chỉ tiêu hoạt động theo chuẩn chung quốc tế và cam kết hội nhập. Các hoạt động M&A sẽ gia tăng, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, sản xuất và kinh doanh hàng tiêu dùng, ngân hàng và cả dệt may, chế tạo cơ khí…
Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô
Về tổng thể, trong trung hạn, theo nhận định của nhiều chuyên gia, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tiếp tục ở mức khiêm tốn và trạng thái ổn định kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục được củng cố.
Kinh tế Việt Nam năm 2015 sẽ chuyển sáng đậm nét và vững chắc hơn năm 2014; trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng vai trò là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Cải cách trong khu vực DN nhà nước sẽ được đẩy nhanh hơn để đạt chỉ tiêu đề ra.
Đẩy nhanh cải cách khu vực ngân hàng vẫn tiếp tục là một ưu tiên. Lãi suất huy động ngân hàng khó giảm thêm, nhưng tăng trưởng tín dụng sẽ nhanh hơn do cơ hội đầu tư và cả điều kiện tín dụng sẽ mở hơn, nhờ đó tạo thêm lực đẩy hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nợ xấu được kiểm soát và từng bước xử lý linh hoạt, trong mục tiêu bảo đảm ổn định hệ thống và từng bước tiếp cận các chuẩn mực và thông lệ chung.
Những ngành nghề dự báo sẽ tăng trưởng mạnh từ năm 2015 là bất động sản, vật liệu và dịch vụ xây dựng, dịch vụ tiêu dùng, hàng tiêu dùng, nông - lâm sản. Đầu tư vào quỹ mở đang là một lựa chọn thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư tư nhân.
Đặc biệt, một chu kỳ mới của thị trường bất động sản đang hình thành, ngày càng tăng trưởng về quy mô, tốc độ, cân bằng và hiệu quả hơn vào những năm cuối thập kỷ này, với triển vọng nhất là phân khúc nhà ở xã hội có diện tích và giá cả vừa phải, bảo đảm chất lượng.
Để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Việt Nam cần thực hiện có hiệu quả các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, DN và của nền kinh tế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Đặc biệt là nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, bảo đảm nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn.
Bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA, tập trung vốn đầu tư cho các công trình quan trọng có khả năng hoàn thành trong năm 2015. Ưu tiên kinh phí cho các dự án cấp bách, ổn định dân cư và tạo sinh kế thuận lợi hơn cho người dân.
Thực hiện có hiệu quả các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tích cực đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương, xây dựng cộng đồng ASEAN năm 2015; đồng thời đẩy mạnh thông tin truyền thông, hướng dẫn, hỗ trợ phù hợp để DN, người dân chủ động hơn trong quá trình hội nhập.
Triển vọng tích cực về kinh tế Việt Nam sẽ đậm nét và được hiện thực hóa cùng với sự thúc đẩy công cuộc đổi mới toàn diện, đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình phát triển; nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước pháp quyền, bên cạnh việc đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, phát huy dân chủ.
Lòng tin phản ánh hiệu lực, hiệu quả và góp phần vào sự thành công của chính sách quốc gia. Giữ vững, củng cố và khai thác động lực lòng tin ngày càng trở thành định hướng và nhiệm vụ thường xuyên, nhất quán, mạnh mẽ; đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho quá trình cải cách và phát triển đất nước và DN.
TS. Nguyễn Minh Phong
Nguồn: báo Nhân dân