Với nhu cầu về nhà ở của người dân đang ngày càng cao, TP. Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng nhà ở xã hội và phấn đấu hoàn thành trước năm 2025.
Phấn đầu 22 dự án hoàn thành trước năm 2025
TP. Hà Nội hiện có khoảng 50 dự án đầu tư nhà ở xã hội đang triển khai với tổng diện tích sàn khoảng hơn 3,2 triệu m2. Với nhu cầu về nhà ở của người dân đang ngày càng cao, gần một nửa số dự án này tại Hà Nội sẽ được đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành trước năm 2025.
Trong giai đoạn hiện nay, nhà ở xã hội rất cần thiết và cần phải tăng tốc phát triển. Ảnh: Thùy Chi
Để bổ sung thêm quỹ nhà ở xã hội, phục vụ cho những người dân có thu nhập thấp, TP. Hà Nội đang tiếp tục rà soát những quỹ đất, đề xuất phương án xây nhà ở xã hội mới.
Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội, dự án trên đường Tố Hữu thuộc phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm đang được thi công và dự kiến sẽ là 1 trong 22 dự án Hà Nội đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trước năm 2025.
Bên cạnh đó, TP. Hà Nội cũng đang tính đến việc sẽ xây dựng nhà ở xã hội độc lập dọc Vành đai 4 đang được triển khai để tạo ra một không gian phát triển mới cũng như thuận lợi cho giao thông.
28 dự án nhà ở xã hội còn lại với khoảng hơn 2 triệu m2 sàn nhà ở dự kiến hoàn thành giai đoạn sau năm 2025. Để hoàn thành mục tiêu này, TP. Hà Nội đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với 2 khu nhà ở xã hội và triển khai lập quy hoạch chi tiết đối với 3 khu nhà ở xã hội nữa.
Một tin vui khác đến với những người thu nhập thấp, có nhu cầu cải thiện chỗ ở là mới đây UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở tới năm 2025 với mục tiêu phát triển 1 triệu 215 nghìn m2 sàn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025, trong số đó sẽ dành hơn 220 tỷ đồng để hoàn thiện và điều chỉnh các tòa nhà đang bỏ hoang hơn chục năm tại dự án ký túc xá cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp thành nhà ở xã hội.
Dự án được khởi công từ năm 2009, trên khu đất có vị trí đắc địa ở phía nam Thủ đô, ngay cạnh cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, giáp vành đai 3, đường Giải Phóng, gần nhiều trường đại học, cao đẳng, nhưng sau hơn 10 năm, chỉ có hai khối nhà hoạt động, còn lại các tòa nhà đã cơ bản hoàn thành xây thô, nhưng vẫn bỏ trống, gây lãng phí rất lớn.
Năm 2017, Sở Xây dựng Hà Nội từng đề xuất chuyển đổi nhà A2, A3 từ công trình ký túc xá thành nhà ở xã hội để bán, cho thuê theo hình thức xã hội hóa, nhưng chưa được thực hiện. Đầu năm 2023, TP. Hà Nội chính thức có quyết định phê duyệt kế hoạch chuyển đổi công năng dự án bằng tiền ngân sách.
Theo đại diện Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP. Hà Nội, việc chuyển đổi từ ký túc xá sinh viên thành nhà ở xã hội rất thuận lợi. Tuy nhiên, việc chuyển đổi phải trải qua rất nhiều thủ tục, cho nên thời gian dự kiến hoàn thiện chuyển đổi nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội là vào năm 2025.
Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, nhu cầu nhà ở xã hội của người dân rất lớn, do đó, để hoàn thành kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, UBND TP. Hà Nội cần khẩn trương hoàn thiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với hai khu nhà ở xã hội.
Đồng thời, triển khai lập quy hoạch chi tiết đối với 3 khu nhà ở xã hội tập trung; đồng thời, nghiên cứu đề xuất xây dựng các khu nhà ở xã hội dọc theo đường vành đai 4 và các vị trí khác.
Thành phố cũng cần tiếp tục rà soát những ô đất thuộc các quỹ đất 20%, 25% tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị để bổ sung quỹ nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội của người thu nhập thấp.
13 dự án nhà ở xã hội dự kiến khởi công, mở bán trong năm 2023
Để phục vụ cho nhu cầu nhà ở của người dân, Hà Nội đã công bố danh sách 13 dự án nhà ở xã hội dự kiến khởi công và mở bán năm 2023.
Theo đó, dự án NHS Trung Văn tại ô đất HH – 02A Đông Nam đường Tố Hữu (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) được mở bán sớm nhất. Dự án có quy mô 2.726m2, dự kiến đưa ra thị trường 275 căn hộ, trong đó 225 căn nhà ở xã hội và 50 căn thương mại, với giá bán từ 19,5 triệu đồng/m2. Dự án do liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng NHS và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng số 4 làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 570 tỷ đồng. Quy mô dân số dự án khoảng 560 người, hiện dự án đang thi công móng hầm.
Theo thông báo của chủ đầu tư, thời gian tiếp nhận hồ sơ là từ ngày 28/3 đến ngày 11/5. Tại đợt đầu tiên, số căn hộ nhà ở xã hội mở bán là 157 căn và 68 căn cho thuê. Tuy nhiên, theo thông tin trên báo chí cho thấy, do lượng người có nhu cầu nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội quá lớn nên cảnh đông đúc, chờ đợi, xếp hàng đã diễn ra từ đêm đến sáng tại khu vực bán hồ sơ dự án này.
Cùng với dự án NHS Trung Văn, một loạt dự án khác cũng có kế hoạch khởi công và mở bán trong năm nay. Điển hình, tại quận Nam Từ Liêm có thêm 2 dự án gồm: Dự án Green Tower Đại Mỗ có địa chỉ tại khu chức năng đô thị ĐM1 Đại Mỗ, phường Đại Mỗ, có quy mô 3,3ha, do Công ty CP Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư. Quy mô dự án gồm 500 căn hộ, với giá bán từ 18 triệu đồng/m2; hiện dự án chưa triển khai.
Dự án Rice City Tố Hữu có vị trí tại đường Tố Hữu, ô đất thuộc phường Mễ Trì và Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, có tổng diện tích 6.616m2. Quy mô dự án gồm 320 căn hộ, được bán với giá từ 18 triệu đồng/m2, do Công ty CP BIC Việt Nam làm chủ đầu tư. Hiện trạng dự án đã xây dựng đến tầng 2.
Bên cạnh đó, tại khu vực quận Long Biên có 4 dự án nhà ở xã hội gồm: Dự án Rice City Thượng Thanh có địa chỉ tại phố Gia Quất, phường Thượng Thanh, được đầu tư và xây dựng bởi Công ty CP BIC Việt Nam. Dự án được xây dựng trên tổng diện tích 5.129m2, hiện trạng đang trong quá trình san lấp mặt bằng, sẽ cung cấp khoảng 510 căn hộ, với giá bán từ 24,7 – 30,5 triệu đồng/m2.
Dự án Him Lam Thượng Thanh có địa chỉ tại ngõ 90, phố Gia Quất, phường Thượng Thanh do Công ty CP Him Lam Thủ Đô làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô hơn 6ha, sẽ đưa ra thị trường 1.450 căn hộ, với giá bán từ 17 – 18,6 triệu đồng/m2. Hiện trạng dự án đang trong quá trình san lấp mặt bằng.
Dự án Bảo Ngọc City tại phường Thạch Bàn, do Công ty CP Đầu tư Bảo Ngọc TTC làm chủ đầu tư. Dự án đang trong quá trình giải phóng mặt bằng để chuẩn bị thi công. Dự án có diện tích 0,86ha, dự kiến cung cấp ra thị trường 808 căn hộ, với giá từ 17 triệu đồng/m2.
Hay, dự án Rice City Thạch Bàn tại ô đất CT8, CT9 khu nhà ở thương mại phường Thạch Bàn, có quy mô 1,95ha, do Công ty CP BIC Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự kiến dự án cung cấp ra thị trường 814 căn hộ, với giá bán từ 20 triệu đồng/m2. Hiện dự án chưa có dấu hiệu của việc triển khai thi công xây dựng.
Tại khu vực quận Hoàng Mai có 3 dự án, trong đó có 2 dự án do Công ty TNHH Hòa Bình làm chủ đầu tư gồm: Dự án Nhà ở xã hội 393 Lĩnh Nam tại đường Lĩnh Nam, phường Vĩnh Hưng, có tổng diện tích 6.616m2, với quy mô gồm 980 căn hộ, có giá bán từ 17 – 18 triệu đồng/m2; dự án Nhà ở xã hội 4-6-8 Vĩnh Hưng tại ngõ 321 phố Vĩnh Hưng, phường Vĩnh Hưng, có tổng diện tích 8.700m2, quy mô cũng gồm 980 căn hộ, với giá bán từ 17 – 18 triệu đồng/m2. Hiện 2 dự án này mới chỉ hoàn thiện nhà mẫu.
Còn lại, dự án Đại Kim Center Point tại ô đất CT4 và CT5 Khu đô thị mới Đại Kim, đường Nguyễn Xiển, do Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) làm chủ đầu tư. Quy mô dự án là 2ha, với tổng số 980 căn hộ, có giá bán từ 18 triệu đồng/m2. Hiện dự án đang thi công móng hầm.
Trong khi đó, tại huyện Thanh Trì có 2 dự án gồm: Dự án Hồng Hà Eco City tại xã Tứ Hiệp, có quy mô 16,7ha, gồm 3.283 căn hộ, có giá bán từ 26,5 – 35,6 triệu đồng/m2; hiện dự án đã bàn giao tòa Sakura, đang thi công tòa Rose, Mapple 1,2.
Dự án UDIC Eco Tower Hạ Đình có vị trí tại ô đất N01 Khu đô thị mới Hạ Đình, xã Tân Triều được xây dựng với quy mô 9.305m2, gồm 216 căn hộ, có giá bán từ 15 triệu đồng/m2. Dự án hiện đang thi công móng hầm, do Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC – Công ty CP Xây dựng lắp máy điện nước Hà Nội (Haweico) và Công ty CP Kinh doanh và phát triển nhà DAC Hà Nội làm chủ đầu tư.
Thời gian qua, thị trường Hà Nội vẫn thiếu nguồn cung dự án mới và cả nhà ở giá rẻ. Theo báo cáo của Savills Việt Nam, cả năm ngoái Hà Nội chỉ có hơn 12.600 căn hộ mới được tung ra - mức thấp nhất 8 năm nhưng trong đó hơn 80% là hạng B. Giá bán sơ cấp trung bình gần 47 triệu đồng mỗi m2.
Nhằm đẩy mạnh nguồn cung, mới đây, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, tương đương 12% nhu cầu vốn, để phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay bình quân trung và dài hạn của các ngân hàng quốc doanh trên thị trường. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xác định danh mục dự án, đối tượng và tiêu chí được thụ hưởng chương trình.
Lưu ý cho khách hàng khi mua bán nhà ở xã hội
Nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định.
Khác với nhà ở thương mại, nhà ở xã hội chỉ dành cho một số đối tượng nhất định. Cụ thể Điều 49 Luật Nhà ở 2014 đã quy định về các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội bao gồm: 1. Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; 2. Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn; 3. Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; 4. Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; 5. Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; 6. Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; 7. Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; 8. Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại Khoản 5 Điều 81 của Luật này; 9. Học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập; 10. Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.
Hiện nay, loại nhà ở xã hội phổ biến nhất là nhà chung cư. Theo đó, Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định nhà ở xã hội theo loại hình nhà chung cư cần phải bảo đảm tiêu chuẩn diện tích sử dụng mỗi căn hộ tối thiểu là 25m2, tối đa là 70m2 và bảo đảm phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương, UBND cấp tỉnh được điều chỉnh tăng tiêu chuẩn diện tích căn hộ tối đa nhưng không quá 10% so với diện tích căn hộ tối đa là 70m2.
Đối với những khách hàng muốn mua lại nhà ở xã hội cần lưu ý. Hiện giá nhà ở xã hội tại một loạt dự án chung cư đã vào ở nhiều năm tại Hà Nội tăng khá mạnh, có nơi rao bán gấp 2 - 3 lần so với khi mở bán.
Một dự án nhà ở xã hội tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội ban đầu được bán với mức giá khoảng 16,5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên đến nay, nhiều căn hộ tại đây đang được tìm mua với mức giá gấp đôi so với khi mở bán, khoảng 30 - 34 triệu đồng/m2. Một số trang mạng đã đăng giá bán trên mạng xã hội với giá cao "trên trời".
Thực tế trong vài năm gần đây, nhiều dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội tăng giá, nhất là những dự án có chất lượng xây dựng tốt, vị trí thuận lợi.
Nhiều dự án nhà ở xã hội hiện nay còn được rao bán ngang giá với nhà ở thương mại đã qua sử dụng. Ví dụ như: Dự án Rice City Sông Hồng (Long Biên, Hà Nội) mở bán cách đây 5 năm với giá hơn 13 triệu đồng, nhưng đến nay giá bán thứ cấp đã lên đến 26 - 27 triệu đồng/m2; hay Dự án nhà ở Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội), dự án nhà ở xã hội Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội) cũng đều được rao bán lại với mức giá tăng gấp 3 - 4 lần so với khi mở bán… Ngay cả dự án đang mở bán hiện nay cũng đã được phê duyệt mức giá lên tới gần 20 triệu đồng/m2, thay vì 13 - 14 triệu đồng/m2 như trước kia.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, do nhu cầu nhà ở của người dân ngày càng gia tăng, trong khi đó nguồn cung khan hiếm, đối với những người chủ của căn nhà ở xã hội nếu không có nhu cầu ở đó nữa thì họ sẽ muốn bán lại và tính giá theo thị trường thương mại bất động sản bình thường.
Các chuyên gia cảnh báo, theo quy định, nhà ở xã hội, người mua nhà ở xã hội phải ở 5 năm mới được phép chuyển nhượng. Trong số các căn hộ chào bán hiện nay, có nhiều căn chưa đủ quy định, mới chỉ vào ở được 2 - 3 năm. Do đó, việc bán lại các căn hộ như vậy là vi phạm quy định pháp luật, khiến cho người mua gặp nhiều rủi ro. Vì vậy, khách hàng khi tìm mua các căn hộ thuộc dự án nhà ở xã hội cần tìm hiểu kỹ đó là căn nhà ở xã hội, hay căn thương mại được mua bán thông thường để tránh những rủi ro không đáng có.
Trong giai đoạn hiện nay, nhà ở xã hội rất cần thiết và cần phải tăng tốc phát triển. Nhà ở xã hội giúp bảo đảm sự an cư cho người dân, là một vấn đề dân sinh góp phần cải thiện điều kiện sống của cư dân đô thị thu nhập thấp và trung bình thấp, góp phần ổn định xã hội, tạo sự công bằng dân chủ trong đời sống người dân đô thị.
Bên cạnh đó, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư nhà ở xã hội sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư, phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương, tác động tích cực đến phát triển công nghiệp ở đô thị, cải tạo khu nhà xuống cấp và cơ hội đầu tư cơ sở hạ tầng.
Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án nhà ở xã hội sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng thị trường hàng hóa, kích thích tiêu dùng với người thu nhập thấp, tái thiết nông thôn và phát triển kinh tế xã hội bền vững.